Ồ ạt các dự án nghìn tỷ ra đời
Cảng hàng không Quảng Ninh, tổng mức đầu tư của dự án là 7.500 tỷ đồng: Theo đó, tỉnh Quảng Ninh vừa mới phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không Quảng Ninh với quy diện tích khoảng 290ha.
Công trình sẽ được xây dựng tại xã Đoàn Kết huyện Vân Đồn trên diện tích khoảng 290ha.
Tổng mức vốn đầu tư là 7.500 tỷ đồng, trong đó thì chi phí xây dựng và thiết bị vào khoảng 5.250 tỷ. 1.500 tỷ để dự phòng và chi phí GPMB hơn 730 tỷ đồng.
Cụ thể, Cảng hàng không được thiết kế gồm một sân bay cấp 4E với quy mô một đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay tối thiểu cho 4 chiếc Boeing 777 lẫn Airbus 321, nhà ga hành khách công suất 2 triệu khách và 10.000 tấn hàng hóa mỗi năm.
Công trình dự kiến hoàn thành trong 2 năm và sẽ trở thành công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế cho Vân Đồn, thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả kỳ quan Vịnh Hạ Long.
Về nguồn vốn, theo tỉnh Quảng Ninh, vốn giải phóng mặt bằng sẽ được ngân sách hỗ trợ, còn lại tỉnh Quảng Ninh sẽ huy động các nhà đầu tư theo hình thức BOT.
Thời gian hoàn vốn cho doanh nghiệp kéo dài 45 năm sau khi công trình hoàn thành.
Cầu đường bộ nối Móng Cái với Quảng Tây - Trung Quốc: Tên gọi của dự án này là đường dẫn cầu Bắc Luân II.
Dự án có tổng mức đầu tư là 930 tỷ đồng với chiều dài 3,5km, 04 làn xe cơ giới, 02 làn xe thô sơ; vận tốc thiết kế 80Km/h.
Cầu Bắc Luân II và Đường dẫn cầu Bắc Luân II sau khi hoàn thiện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển thương mại giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc và đóng vai trò là cửa ngõ nối ASEAN với Trung Quốc.
Dự án do Liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH chế tạo thiết bị Phong Trạch Quảng Đông, Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư phát triển An Đức Quảng Tây, Công ty TNHH PTY Úc SANSHE thực hiện.
Đại diện nhà thầu cho hay, trước mắt sẽ giải ngân 400 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Ninh GPMB.
Dự án Đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái (đoạn Hạ Long - Vân Đồn) và Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 (đoạn Hạ Long - Mông Dương): Tỉnh Quảng Ninh mới đây đã có buổi làm việc với các nhà thầu bàn về phương án đầu tư của 2 dự án này.
Theo đó, 2 dự án có quy mô lớn, các nhà thầu lần lượt đưa ra các phương án: 11.200 tỷ đồng, 11.700 tỷ đồng, 13.800 tỷ đồng, 14.200 tỷ đồng...
Dự án được đầu tư theo hình thức BOT, thu hồi vốn trong vòng 25 năm.
Hạ tầng dẫn lối cho kinh tế Quảng Ninh?
Hầu hết các công trình nghìn tỷ về hạ tầng của tỉnh Quảng Ninh gần đây đều được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT (hợp đồng xây dựng - khai thác - chuyển giao). Đây được coi là hình thức thu hút đầu tư vào hạ tầng rất hiệu quả.
Hầu hết các dự án đều có thời gian dành cho doanh nghiệp khá dài để kinh doanh thu hồi vốn và lấy lãi.
Thêm vào đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi, ưu đãi để thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông.
Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thể hiện tầm nhìn của Quảng Ninh về vị thế quan trọng của mình trong việc kết nối phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như vai trò cửa ngõ của ASEAN với Trung Quốc.
Bên cạnh các dự án về hạ tầng, tỉnh Quảng Ninh còn chú trọng thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp, du lịch,..
Mới đây, Tập đoàn Vingroup cũng đã gửi đề xuất đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với quy mô lớn tại Quảng Ninh.
Với việc mạnh tay đầu tư vào các công trình nghìn tỷ kỳ vọng giúp Quảng Ninh "thay da đổi thịt" từ đó khai thác tốt hơn các thế mạnh "trời cho" như kinh tế biển, du lịch, biên mậu, nông nghiệp, công nghiệp... và trở thành một điểm sáng kinh tế của Đông Bắc.