Áo ngực nghi của Trung Quốc có đỉa bò lúc nhúc?
Tối 19/6, trên dòng thời gian Facebook tên T.L ở Quảng Ngãi đã chia sẻ những bức xúc kèm 7 hình ảnh chiếc áo ngực có "đỉa bò lúc nhúc", khiến người xem không khỏi rùng mình.
Chị này T.L đã thông tin, mua chiếc áo ngực có mút dày tại một cửa hàng bán quần áo khi về quê. Sau khi mang giặt ngâm vào nước, thì thấy có 2 con đỉa lúc nhúc trong thau. Chị "rụng rời tay chân" khi chứng kiến cảnh đó, và khẳng định chiếc áo có nhãn hiệu Trung Quốc.
Ngay sau khi được đăng tải trên trang cá nhân, các bức ảnh chị T.L chụp chiếc áo ngực có sinh vật lạ được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Phần lớn ý kiến cảm thông chia sẻ, nhưng mọi người đều cho rằng 2 sinh vật lạ này hoàn toàn không phải con đỉa.
Facebook tên LinhnhiCrysta chia sẻ: "2 con đó là 2 con trùn chỉ đất, ở nông thôn thì nhiều lắm, nó ở dưới mấy viên gạch lót sàn gần lu nước hoặc gần giếng tắm, còn ở thành phố thì nó chui dưới lỗ thoát nước lên, chắc chị đó khi đổ nước vô không để ý nên 1 lúc trùn nó chui vô thau nước thôi".
Ngâm quần áo vào xà phòng, xuất hiện hàng nghìn sinh vật lạ
Ngày 13/1/2013, bà Nguyễn Thị Phụng (55 tuổi, trú thôn Quang Hưng, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa, Phú Yên) mua bộ quần áo mới ở chợ Hạnh Lâm. Ngâm bộ đồ trong nước có xà phòng khoảng 15 phút, bà Phụng phát hiện nhiều đốm nhỏ màu trắng nổi lên.
Khi giặt bà phát hoảng khi thấy có hàng nghìn sinh vật, nhìn giống như đỉa, nhỏ bằng hạt gạo, bò lúc nhúc. Cũng theo gia đình bà Phụng, các sinh vật này được xử lý bằng cách đốt, đổ dầu hỏa nhưng không diệt được nên đã đem chôn lấp và lấy mẫu trình báo cơ quan chức năng.
Ngay sau đó, các ngành chức năng của xã Hòa Quang Nam đã lấy mẫu "sinh vật lạ" gửi đi kiểm tra. Chiều 18/1, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Phú Yên đã chuyển mẫu sinh vật giống đỉa phát hiện trong bộ quần áo mới này đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, để kiểm tra xác định loài. Ngày 25/1, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, mẫu “sinh vật lạ” chỉ là ấu trùng của 2 loại ruồi thuộc họ ruồi giả ong.
Áo ngực Trung Quốc chứa 2 chất độc
Cuối năm 2012, thông tin về việc áo ngực Trung Quốc chứa chất lạ đã làm hoang mang dư luận. Ngay khi thông tin này được loan báo, trong các ngày sau đó, Đội quản lý thị trường tại nhiều tỉnh thành trên cả nước liên tiếp phát hiện những gói chất lạ trong áo ngực được bán tràn lan, không nguồn gốc tại các khu chợ.
Qua kiểm định, các nhà khoa học cho biết: Mỗi bên áo ngực đều có dung dịch màu trong suốt và 3 viên chất rắn màu trắng, mỗi viên có đường kính kích thước khoảng 0,75 mm và lượng dung dịch khoảng 7ml. Thành phần của chất rắn màu trắng trong các loại áo ngực được phân tích và xác định là một loại nhựa tổng hợp polystyren (trên thị trường thường gọi là nhựa PS được tạo thành từ phản ứng trùng hợp styerene). Còn thành phần dung dịch có màu trong suốt được xác định là dầu khoáng, một loại dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ.
“Đáng chú ý là các nhà khoa học đã phát hiện ra 2 chất trong nhóm Polycyclic aromantic hydrocarbon (PAH) là Anthracene(C14H10) và Pyrence (C16H10). Trong đó, hàm lượng Pyrence trong dung dịch dầu khoáng từ 0,140 đến 0,192 mg/kg. Hàm lượng Anthrancene trong dung dịch dầu khoáng từ 0,068 đến 0,082 mg/kg" – Tiến sĩ Lợi nói.
"Đáng tiếc là Việt Nam chưa có tiêu chuẩn hàm lượng PAH trong dầu khoáng nên không thể biết được mức độ độc hại đến đâu. Đề nghị, Bộ Y tế và bộ Công thương cần vào cuộc nhanh chóng, nếu không công bố xong kết quả chẳng đi đến đâu, rồi những chiếc áo ngực sẽ rơi vào lãng quên", ông Lợi nói thêm.
Quần Jean Trung Quốc chứa chất gây ung thư?
Sáng 9/7/2009, Chi Cục QLTT TP. Đà Nẵng cho biết, qua kết quả kiểm nghiệm đối với các mặt hàng quần áo may sẵn trên địa bàn thành phố, lực lượng chức năng đã phát hiện 1 mẫu quần Jean Trung Quốc có hàm lượng formandehyde (hóa chất có thể gây hại cho sức khỏe, gây mẩn đỏ da và ung thư) lên đến 333mg/kg.
Ông Nguyễn Nho Hậu, Chi Cục phó Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cho biết: “Formandehyde là chất bảo quản có tác dụng tạo độ bền cho quần áo. Hóa chất này có thể gây hại cho sức khỏe, gây mẩn đỏ da và ung thư. Tuy nhiên, do hiện nay chưa có quy định cụ thể về ngưỡng cho phép đối với thành phần formandehyde có trong quần áo may sẵn nên rất khó kiểm tra, xử lý cũng như áp dụng các chế tài đối với các sản phẩm này.
Trước mắt để an toàn, người dân nên cân nhắc và có sự lựa chọn trong việc chọn mua các sản phẩm quần áo may sẵn đang có trên thị trường. Tốt nhất là lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu với đầy đủ các thông tin về sản phẩm, thành phần, xuất xứ,…”