Ngày cuối tuần (28/10), các chỉ số chứng khoán Mỹ trồi sụt nhẹ. Thị trường có vẻ trầm lắng, khác hẳn không khí giao dịch trong phiên liền trước, khi Phố Wall tăng như bão, đưa các chỉ số lên cao nhất trong 3 tháng.
Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 22,56 điểm, tương ứng 0,18%, chốt tuần ở 12,231,11 điểm. Chỉ số S&P 500 nhích nhẹ 0,49 điểm, tương ứng 0,04%, lên 1.285,08 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,48 điểm, tương ứng 0,05%, xuống 2.737,15 điểm.
Tính cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 3,6%. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp, chỉ số này đi lên. S&P 500 và Nasdaq cùng đạt mức tăng 3,8% và là tuần tăng điểm thứ 4 liên tục.
Khối lượng giao dịch trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq chỉ đạt khoảng 7,71 tỷ cổ phiếu, thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình hàng ngày 8,03 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay.
Hôm qua, giới đầu tư cổ phiếu tỏ ra thận trọng trong giao dịch, khi thị trường bắt đầu xuất hiện những nghi ngờ về khả năng châu Âu thực hiện được các thỏa thuận giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.
Tuy nhiên, thị trường cũng nhận được tín hiệu lạc quan xung quanh lợi nhuận doanh nghiệp và kinh tế Mỹ.
Cụ thể, theo Thomson Reuters, trong số 315 doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2011, 71% có mức lợi nhuận vượt dự báo. Ngoài ra, tháng 10, tâm lý tiêu dùng tiếp tục được cải thiện.
Trên sàn New York, số mã giảm điểm là 1.505 cổ phiếu, vượt trên số tăng điểm không nhiều (1.475). Tuy nhiên, trên sàn Nasdaq, khoảng cách giữa hai chiều tăng/ giảm có phần nới rộng hơn, với 1.406 mã giảm so với 1.114 mã tăng.
Tương tự, các sàn châu Âu cũng cho kết quả trái chiều. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm nhẹ 0,2% xuống mức 5.702,24 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,59% xuống còn 3.348,63 điểm. Ngược dòng, DAX của Đức nhích 0,13% lên 6.346,19 điểm.
Đóng cửa trước đó, các sàn châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục tăng. Dẫn đầu khu vực về mức tăng điểm là Singapore, với chỉ số Straits Times tăng tới 2,04% lên 2.905,72 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 1,68%.