Câu chuyện về cậu bé 10 tuổi Lê Thế Nghĩa "bị" mẹ "bỏ" lại một mình trên đất Mỹ là minh chứng sống động cho việc dạy con cách tồn tại của nữ tướng FPT.
Chị Hà kể lại, ban đầu khi đưa Nghĩa đi cùng, chị chỉ có mong muốn để con được mở mang tầm mắt. Nhưng sau khi khóa học ngắn ngày kết thúc, chị đã có một quyết định táo bạo về việc cho Nghĩa ở lại Mỹ, còn chị quay về nước. "Đấy thực sự là thời đểm khó khăn với bản thân tôi. Nhưng may mắn, việc làm đó đã mang lại quả ngọt", chị nói.
Con trai chị, giờ đã 17 tuổi, đang theo học tại trường Phillips Exeter Academy, một trong những ngôi trường nổi tiếng của Mỹ.
Lê Thế Nghĩa cũng thừa nhận, thời điểm ấy cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất với em. Mặc dù trước đó, vào năm lên 6, cha mẹ đã gửi em tham gia trại hè Apollo. "Trong một tuần không gặp gia đình, mỗi lần gọi điện về nhà là em như muốn khóc, nhưng trước mặt các bạn, phải cố gắng giữ mình", Nghĩa chia sẻ.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Nghĩa cảm thấy bản thân đã được tôi luyện và trưởng thành rất nhiều. Cơ hội được trải nghiệm, tự lập, tự mình giải quyết nhiều vấn đề và khả năng hòa nhập nhanh với môi trường xung quanh là những bài học lớn mà chính thời gian xa nhà đã giúp cậu có được.
Nói về chặng đường trước khi "đẩy Nghĩa ra ngoài sự bao bọc", chị Hà bảo, từ lúc các con còn nhỏ, chị đã dành sự quan tâm đặc biệt cho việc định hướng con. Chẳng hạn khi con bước vào tuổi đi học, chị đã đến gặp cô giáo của con, để "nhờ" cô giao cho con những công việc của lớp như một hình thức giúp con có trách nhiệm.
Hay như để rèn luyện sức khỏe cho con, những đứa con của chị bắt đầu lên 5 đều được học bơi. Từ đó đến giờ, không kể mưa nắng, bão bùng, mùa đông hay mùa hạ, cứ trời chưa kịp sáng, cả ba đứa trẻ đều dậy đi bơi.
Chị cho hay, việc rèn cho con thói quen này rất khó, nhưng quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của con sau này. Ngoài ra, với những gia đình có ý định để con đi du học, thì sức khỏe được xem là yếu tố vô cùng quan trọng.
Với Nghĩa, trước những phương pháp dạy của bố mẹ, nhiều lần em cũng không hài lòng. "Có hôm cha mẹ đưa đi bơi, em ngồi sau ngủ gật, chỉ mong sao đi thật chậm, để được ngủ thêm tí nữa. Nhưng khi hiểu ra, em tự hỏi không biết sau này mình có làm được những việc như cha mẹ đã làm hay không?", chàng trai trẻ thủ thỉ.
Để con tự lập, khôn lớn bằng những va chạm thực tế với bên ngoài cũng là cách mà gia đình anh Hoàng Trung Kiên, Phó TGĐ FPT Telecom, áp dụng.
Mỗi mùa hè, hai vợ chồng anh đều nhất trí cho con gái bán nước trên Hồ Gươm, để con hiểu bố mẹ kiếm tiền khó như thế nào và giá trị của đồng tiền ra sao. Vợ anh Kiên tâm sự: "Tôi cũng không áp dụng hoàn toàn một phương pháp nào, cứ cái gì tốt, cần và phù hợp với con, bản thân có thời gian thì áp dụng".
Trưởng phòng Nhân sự Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) Đỗ Ngọc Diệp cho hay, kiếm tiền là một trong những phương pháp giúp con tự tồn tại. Tuy nhiên, có nhiều cách để dạy con quý trọng đồng tiền, chứ không chỉ dừng lại ở việc để con tự kiếm tiền.
Với gia đình chị, việc dạy con tiết kiệm điện, nước cũng là một cách để con tiết kiệm tiền. "Ngay từ những việc nhỏ nhất như khi con ăn cơm, vãi một hạt cơm cũng là lãng phí. Rồi tạo cho con thói quen dùng xong điện thì tắt đi", chị nói.
Mùa hè vừa rồi, chị Diệp cũng có ý định để con sang quán nước gần nhà làm phục vụ. Nhưng sau khi cân nhắc, chị đã gửi con tới một trường mầm non của một người bạn, để con tham gia những công việc như trông các em nhỏ, dọn dẹp giúp đỡ cô giáo.
"Cuối tháng, cô giáo thưởng cho con 100.000 đồng, nhưng không phải bằng tiền mặt mà bằng việc dắt con đến nhà sách, để con tự lựa chọn phần thưởng cho mình. Đó là những trải nghiệm tuyệt vời mà con có được trước khi vào năm học mới", Trưởng phòng Nhân sự FPT Retail phấn khởi chia sẻ.