“Cơ chế sở hữu chéo giúp các ngân hàng lách quy định đảm bảo an toàn, nên dù có áp dụng chuẩn mực Basel quốc tế đến đâu thì việc cho phép sở hữu chéo cũng khiến chuẩn mực này trở nên vô ích”, TS Nguyễn Xuân Thành - Phó giám đốc chương trình giảng dạy Fulbright TP.HCM đã chia sẻ như vậy tại hội thảo ngày 31/7 diễn ra ở Hà Nội về vấn đề sở hữu chéo do Ủy ban giám sát tài chính quốc gia tổ chức.
Theo ông, ở Việt Nam hiện nay có hiện tượng các tập đoàn lớn, tổng công ty sở hữu ngân hàng thương mại cổ phần. Động lực của những đơn vị này là vay tiền từ nhà băng. Còn về phía ngân hàng, khi được doanh nghiệp nhà nước lớn sở hữu, thanh khoản có thể đảm bảo do lúc nào cũng có một khoản tiền gửi lớn.
“Dù thế, tính bền vững của thanh khoản sẽ không nhiều, chẳng hạn có doanh nghiệp nhà nước sở hữu tỷ trọng lớn mà lại không có vai trò chi phối trong kiểm soát, quyền này chủ yếu thuộc về nhà đầu tư lớn”, ông Thành nêu ý kiến.
Với việc ngân hàng sở hữu lẫn nhau, theo chuyên gia này, lý do chính là để được sở hữu thông qua các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư do những đơn vị này hầu hết không phải công bố thông tin báo cáo.
Sự chồng chéo trong sở hữu lẫn nhau giữa doanh nghiệp và ngân hàng, ngân hàng và ngân hàng có nhiều ảnh hưởng. Theo ông Nguyễn Xuân Thành , phải kể đến đầu tiên chính là các số liệu. Cơ cấu sở hữu chéo giúp cho các tổ chức tài chính vô hiệu hóa hầu hết những quy định về đảm bảo an toàn vốn.
Ông này phân tích, theo quy định, vốn điều lệ ngân hàng tối thiểu là 3.000 tỷ đồng, có nhiều đơn vị công bố chỉ số an toàn vốn là 40% - mức hoàn hảo đến nỗi dù nợ xấu 10-20% vẫn không lo mất vốn. Nhưng ở Việt Nam, vốn đó không là thực. Sự dễ dàng khiến cho nhà đầu tư có thể vay ngân hàng này để góp vốn vào ngân hàng khác, khiến cho tình trạng yếu kém ngày một nhiều.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mục đích của các ngân hàng là để phục vụ đại chúng, đẩy vốn là nền kinh tế. Nhưng ở Việt Nam, không ít ngân hàng có đối tượng phục vụ là những người có tiền.
Chuyên gia này đặt giả định về lợi ích nhóm, đồng thời nêu ví dụ, ở Mỹ, nếu phát hiện ngân hàng có dấu hiệu lập cho nhóm nào đó, chắc chắn không được cấp phép. “Sở hữu chéo ngân hàng ở Việt Nam là đi ngược lại kinh tế thị trường. Việc sở hữu lẫn nhau như vậy làm giảm yếu tố cạnh tranh và thậm chí nảy sinh tình trạng cấu kết lũng đoạn thị trường”, chuyên gia nói trên phân tích.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại cho rằng, không hẳn sở hữu chéo không có lợi.
Ông Đinh Tuấn Minh - chuyên gia tại ngân hàng Quân đội nêu quan điểm, nếu loại bỏ sở hữu chéo, doanh nghiệp và nền kinh tế có thể bị cản trở sự phát triển. Theo ông, việc sở hữu chéo lẫn nhau là hiện tượng thông dụng trong nền kinh tế thị trường nhằm kiểm soát sự điều hành của công ty liên quan về giá, sản lượng. Ngoài ra, sở hữu chéo giúp cho chi phí giao dịch giữa doanh nghiệp và ngân hàng giảm bớt. Dù thế, chuyên gia này cho rằng, sở hữu chéo thuần túy giữa các định chế trong nước sẽ mang lại nhiều tác hại, nguy cơ rủi ro hệ thống, còn sở hữu chéo có yếu tố nước ngoài sẽ tốt hơn.
Với quan điểm sở hữu chéo là tất yếu của thị trường, ông Bùi Huy Thọ , Phó vụ trưởng cơ quan giám sát ngân hàng cho rằng, cần lợi dụng mặt mạnh của sở hữu chéo khi mà luật các tổ chức tín dụng có đề cập đến vấn đề này nhưng chưa chi phối được hết.
Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn thì cho rằng, cần giải pháp cho việc nhiều người biết một ngân hàng có người giữ vốn chi phối ngân hàng, nhờ người khác đứng tên hộ. “Một số nước châu Âu có quyền truy soát nguồn gốc tiền nộp vào ngân hàng, vừa giúp chống rửa tiền, vừa tránh hiện tượng tìm người đứng tên giả đầu tư vào, ngân hàng Việt có làm được điều đó hay không?”, ông Ngoạn đặt câu hỏi.
Người đứng đầu Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng, cơ chế pháp luật cần phải sâu sát với hiện tượng lách quy định hiện nay diễn ra phổ biến. Ông Ngoạn bày tỏ: “Quy định rõ ràng một tổ chức không được đầu tư vào tổ chức tín dụng khác quá 10%, một thể nhân không quá 5%, nhưng thực tế, có những sở hữu cá nhân chiếm phần vốn tại ngân hàng nhiều hơn 5% và tổ chức lớn hơn 10%. Họ vẫn lách được qua hình thức này hay khác, chẳng hạn thông qua người quen, công ty A, B, C mà họ không đứng tên”.