Làm ăn với Trung Quốc (TQ) không phải là câu chuyện mới và gần đây xới lại, nhận được nhiều quan tâm hơn khi ngày càng nhiều doanh nghiệp VN trụ vững tại thị trường này.
Người tiêu dùng chọn mua giày Bita’s tại hội chợ ASEAN Expo ở Nam Ninh (TQ) cuối tháng 10-2011 - Ảnh: T.Trang nha
Chưa bán đã bị làm giả
Những doanh nghiệp đã và đang làm ăn tại TQ đều có chung một tình cảnh: đưa hàng sang bán những tháng đầu rất tốt, hàng chạy ro ro nhưng cứ sau vài tháng hàng giả, hàng nhái tràn lan.
Thậm chí những mặt hàng VN chưa chính thức có mặt trên thị trường này nhưng được đánh tiếng chất lượng tốt lập tức cũng bị nhái.
Kể câu chuyện những ngày đầu vào thị trường này, ông Nguyễn Lâm Viên, giám đốc Công ty Vinamit, nói ở TQ không làm nhái mà thường làm giả luôn! Làm ăn với TQ từ năm 1997, Vinamit sở hữu thương hiệu Đức Thành và đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho tên tiếng Việt nhưng quên đăng ký tên tiếng Anh. Vậy là bị mất!
Sau cú vấp đó, Vinamit có thêm nhiều bài học làm ăn: bám thị trường và xây dựng đội ngũ quản lý tại chỗ chưa đủ, điều tiên quyết là cần phải chuyên nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký chất lượng sản phẩm.
“Không bán cái rẻ”
Theo ông Lê Văn Trí, thị trường TQ phần lớn là doanh nghiệp tư nhân, quy mô nhỏ, không chú trọng nhiều đến thương hiệu, tiếp thị mà khá nhạy cảm với thuế và giá cả. Nếu doanh nghiệp VN có chiến lược đầu tư bài bản, tìm thị trường ngách và nắm vững một số tâm lý tiêu dùng thì thị phần hàng Việt tại đây hoàn toàn có cơ hội tăng lên.
Hơn 15 năm bám thị trường này, Bita’s đã đầu tư nhiều công sức, thời gian để tìm hiểu làm đúng những đòi hỏi thị trường thực tế đặt ra. Ông Đỗ Long, tổng giám đốc Bita’s chia sẻ: thị trường TQ là một thị trường “sống” rất hỗn tạp với đủ sản phẩm chất lượng từ thấp đến cao, vấn đề của doanh nghiệp là thâm nhập phân khúc nào thì phải chứng minh sự vượt trội hơn sản phẩm cùng loại. “Không thể mang “cái rẻ” đi bán ở thị trường TQ mặc dù thị trường này có nhiều hàng rẻ thật” - ông Long nói.
Theo Tuổi trẻ