Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex đã trả lời phỏng vấn về những khoản lỗ của đơn vị này cũng như việc chi cả tỷ đồng mua thẻ golf cho lãnh đạo.
Khoản lỗ của Petrolimex có thể hiểu như thế nào?
Trong năm 2011, Petrolimex lỗ chủ yếu vì chính sách bình ổn giá. Điều này đã được Kiểm toán Nhà nước xác nhận trong báo cáo kiểm toán. Nói chung, những năm qua tất cả các lĩnh vực kinh doanh khác của Petrolimex đều có lãi và tương đối ổn định, chỉ trừ kinh doanh xăng dầu.
Nhưng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, chi phí hao hụt trong năm 2011 của Petrolimex là 189 đồng/lít, chiếm 19% chi phí kinh doanh xăng dầu và 63% lợi nhuận định mức, một tỉ lệ khá lớn. Petrolimex có kế hoạch giảm hao hụt?
Con số 189 đồng/lít là giá trị hao hụt từ cảng mua hàng đến khi kết thúc quá trình bán cho người tiêu dùng. Thực tế, ngoài thị trường Singapore, Petrolimex còn nhập từ Trung Đông, Hàn Quốc, Nga...
Tại thị trường nội địa, Petrolimex đang kinh doanh trên 62/63 tỉnh thành và có thị phần rất lớn ở các vùng sâu, vùng xa..., chi phí hao hụt vận chuyển đường dài cũng cao. So sánh giữa các đầu mối là khó, vì có đầu mối tính hao hụt từ cảng mua hàng tới cảng VN vào giá vốn xăng dầu.
Còn Petrolimex thì hạch toán hao hụt từ cảng nước mà Petrolimex mua hàng đến khi kết thúc quá trình bán cho người tiêu dùng. Để thống nhất trong công tác hạch toán hao hụt giữa các đầu mối, năm 2012 Petrolimex sẽ hạch toán hao hụt khâu nhập khẩu (từ cảng mua hàng về đến cảng VN) và giá vốn hàng nhập khẩu.
Ông giải thích như thế nào về việc chi hơn 1 tỷ đồng để mua... thẻ hội viên chơi golf cho lãnh đạo Petrolimex?
Đây không phải hiện tượng ở công ty mẹ Petrolimex. Do báo cáo kiểm toán là báo cáo hợp nhất của các công ty thành viên nên có nêu vấn đề này, nhưng thực chất đó là trường hợp tại công ty cổ phần vận tải mà Petrolimex có vốn góp 51%. Công ty này đã ký hợp đồng mua thẻ golf nhằm phục vụ trong quan hệ giao dịch công tác chung. Và thực tế đây được coi như một khoản đầu tư. Tuy nhiên, sau khi Kiểm toán Nhà nước có ý kiến, công ty đã chuyển nhượng thẻ hội viên này cho cá nhân và thu lại toàn bộ số tiền.
Còn về mức lương khoảng 20,7 triệu đồng/người/tháng, trong khi doanh nghiệp thua lỗ, thưa ông?
Để tiền lương ngày càng gắn liền với công việc, chức danh và hiệu quả, từ cuối năm 2008 Petrolimex đã xây dựng và triển khai cơ chế trả lương với nguyên tắc: tiền lương được trả theo công việc và chức danh mà mỗi người đảm nhiệm gắn với kết quả theo hướng tiệm cận với tiền lương, tiền công trên thị trường. Do đó, mức lương trên là phù hợp với cơ chế trả lương và quan hệ tiền lương áp dụng trong nội bộ Petrolimex.
Còn mức lương này có bình thường không thì cần so sánh với các doanh nghiệp có cùng quy mô, phạm vi hoạt động và các thành phần kinh tế khác. Công ty mẹ của Petrolimex thực tế đang phải thực hiện chức năng chỉ đạo hoạt động của 42 công ty TNHH một thành viên với 26 chi nhánh, xí nghiệp và gần 2.200 cửa hàng xăng dầu hoạt động kinh doanh tại 62/63 tỉnh thành cả nước. Ngoài ra còn có hai công ty hoạt động tại nước ngoài, 26 công ty cổ phần do Petrolimex chi phối...
Chi phí vận tải do Petrolimex thuê công ty con thường cao hơn giá thị trường, phải chăng Petrolimex có sự ưu ái cho “người nhà” thay vì đấu thầu?
Trước đây, Petrolimex đã xây dựng quy chế đấu thầu vận tải và đã áp dụng được một khoảng thời gian. Tuy nhiên, phương tiện vận tải xã hội thường không đáp ứng được các điều kiện vận tải xăng dầu ban đêm vào thành phố hoặc chỉ tham gia các gói thầu có khối lượng nhỏ, tuyến vận tải thuận lợi... Thực tế hiện nay, một số gói thầu vận tải với khối lượng nhỏ các đơn vị thành viên của Petrolimex vẫn thực hiện theo hình thức chào giá cạnh tranh để tận dụng được lực lượng vận tải của xã hội.
Riêng đối với vận tải quốc tế (vận tải viễn dương), thường mỗi đơn vị vận tải chỉ có số tàu rất ít (khoảng 5 tàu/công ty). Việc thuê tàu lại phụ thuộc điểm mua hàng, thời gian giao hàng, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước và sự sẵn sàng của đơn vị có tàu...
Vì vậy, về lý thuyết thì hoàn toàn có thể tổ chức đấu thầu, nhưng trên thực tế thuê vận tải viễn dương không dễ khi vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, qua ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, Petrolimex sẽ nghiên cứu để lựa chọn giải pháp hợp lý hoặc kiến nghị với các cơ quan chức năng có thẩm quyền nếu không thực hiện được.
Dư luận cho rằng cơ chế dự trữ lưu thông xăng dầu hiện nay khiến giá xăng dầu trong nước khó điều chỉnh linh hoạt theo giá thế giới. Quan điểm của Petrolimex như thế nào về vấn đề này?
Cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay buộc doanh nghiệp phải dự trữ tối thiểu 30 ngày. Petrolimex cũng đã đề xuất nên giảm xuống còn 20 ngày, đồng thời đề nghị Nhà máy Dung Quất (hiện đáp ứng khoảng 30% nhu cầu nội địa) tham gia vào tồn kho dự trữ khoảng 10 ngày. Tất nhiên, vấn đề này do Chính phủ quyết định trên cơ sở ưu tiên đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.