Liên quan tới dự thảo giá xăng dầu mà Bộ Công thương mới hoàn tất, cũng như sai phạm mới đây của Petrolimex trong việc áp dụng không đúng tỷ giá liên ngân hàng, PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long về vấn đề này.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã sử dụng tỷ giá của Ngân hàng Vietcombank thay vì sử dụng tỷ giá bình quân liên Ngân hàng để tính giá cơ sở theo quy định của Chính phủ. Trong khi đó, bảng giá cơ sở xăng dầu mới nhất mà tập đoàn này công bố là từ ngày 29/3/2011. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc trong hơn một năm qua, Tập đoàn này đã bỏ túi một khoản tiền chênh lệch khổng lồ... Ông nhận xét gì về vấn đề này?
Giá cơ sở được tính theo công thức gồm hơn 10 yếu tố cộng lại, bao gồm: thuế nhập khẩu hiện hành, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí xăng dầu, định mức chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, mức trích Quỹ bình ổn giá... Tuy nhiên hiện nay, các yếu tố trong phần giá cơ sở đang được sửa đổi, bổ sung lại.
Theo quy định hiện nay, phải tính giá cơ sở theo tỷ giá liên ngân hàng, nhưng Petrolimex đã không áp dụng đúng, tính theo tỷ giá của Vietcombank làm chênh lệch mức giá lên là không hợp pháp.
Đây chính là sự lừa dối nhằm mục đích đưa giá cơ sở lên, luôn luôn tăng cao. Vậy hàng năm Petrolimex bán được bao nhiêu triệu lít xăng? Với sự chênh lệch tỷ giá mười mấy đồng thì giá cơ sở sẽ tăng lên ở mức nào và Petrolimex đã bỏ túi bao nhiêu? Cho nên cơ quan chức năng phải có biện pháp thu lại mức chênh lệch đó.
Trong việc sửa đổi Nghị định 84, có vấn đề là tính giá công thức, giá cơ sở có thêm thuế môi trường, và một điểm nữa là tính tỷ giá liên ngân hàng bình quân bao nhiêu ngày. Nhưng hiện nay chúng ta đang tính theo cách khác vì việc sửa đổi chưa được thông qua.
Mỗi lần nhắc đến giá xăng dầu là người dân lắc đầu ngao ngán. Khi giá xăng thế giới tăng thì xăng dầu trong nước cũng tăng rất nhanh, viện đủ mọi lý do để tăng. Nhưng khi xăng dầu thế giới giảm thì xăng dầu trong nước lại không giảm, lấy lý do là để chống buôn lậu và còn trích quỹ bình ổn giá để hỗ trợ doanh nghiệp. Vậy, ông có lý giải gì về cơ chế quản lý này?
Nguyên tắc của quản lý giá trong nền kinh tế thị trường là phải phân theo tính chất của thị trường để quyết định xem sản phẩm thuộc loại nào. Nếu thuộc loại tự do cạnh tranh thì phải để cho thị trường quyết định. Còn nếu thuộc lĩnh vực độc quyền thì Nhà nước phải quyết định. Từ đó mới có hình thức quản lý phù hợp.
Ở Việt Nam, xăng sản xuất trong nước mới đáp ứng được 30% nhu cầu, còn 70% phải nhập khẩu và do 11 doanh nghiệp đầu mối thực hiện, trong đó riêng Petrolimex chiếm trên 48% thị phần. Như vậy, thực chất thị trường xăng dầu Việt Nam mang tính độc quyền.
Với xăng dầu, đã là độc quyền thì không thể để cho doanh nghiệp tự định giá được. Bộ Công Thương thường có suy nghĩ là phải đảm bảo đủ nguồn năng lượng cung cấp cho nền kinh tế, nên họ có xu hướng chiều theo ý của doanh nghiệp.
Chúng ta cần phải sửa đổi Nghị định 84. Hiệp hội xăng dầu hiện nay đứng trên góc độ doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.
Chỉ căn cứ vào tỷ giá của ngân hàng do Petrolimex tự chọn để quyết định giá cơ sở có được coi là biểu hiện rõ nhất của sự độc quyền hay không, thưa ông?
Đây là không phải là sự độc quyền, mà là doanh nghiệp đang lách để dùng tỷ giá khác để tăng giá cơ sở lên, tăng lợi nhuận, tăng lợi ích và làm trái Luật. Vì vậy các cơ quan quản lý cần phải xử lý nghiêm khắc sai phạm này.
Mới đây, Bộ Công thương vừa đưa ra 3 phương án liên quan đến việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, cả 3 phương án này thêm một lần nữa tạo đặc quyền cho DN tự ý tăng giá mà bất chấp quyền lợi của người tiêu dùng. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Trong 3 phương án, thì phương án 1 là "bình mới rượu cũ", bản chất không thay đổi, chỉ thay đổi mức độ và tần suất. Nhưng cách nói như vậy là lưỡng tính, nửa vời, không đúng với cơ chế thị trường.
Để phù hợp với sự biến động liên tục, thường xuyên của giá xăng dầu thế giới nên công bố giá bán lẻ tối đa là 10 ngày. Tôi nhận thấy có một vấn đề khó khăn là xăng dầu dự trữ quốc gia đang được để tại các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối.
Thực tế này dễ dẫn đến tình trạng khó tách bạch giữa xăng dầu dự trữ quốc gia và xăng dầu kinh doanh. Do đó cần phải nghiên cứu, xây dựng cơ chế theo hướng bảo đảm minh bạch, thuận lợi trong quản lý, sử dụng xăng dầu dự trữ quốc gia
Còn phương án 2 là giá trần theo tháng, phương án 3 là giá trần theo năm là khá phù hợp. Tuy nhiên, giá xăng dầu trên thế giới diễn biến rất phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh tế, chính trị, tình trạng đầu cơ, dự trữ... Có những thời điểm giá biến động không theo quy luật nào, tăng/giảm đột biến và liên tục rất khó dự tính.
Nếu thực hiện theo phương án này, cơ quan chức năng phải có đội ngũ cán bộ đủ trình độ và năng lực để xử lý kịp thời sự tăng giảm thất thường của giá xăng dầu thế giới, từ đó điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp. Và phải làm sao để giá bán lẻ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng.