Thất vọng trước hành xử của Parkson
Chiều ngày 2/1/2015, các quầy hàng tại TTTM Parkson Keangnam Landmark (đường Phạm Hùng, Hà Nội) bất ngờ nhận thông báo đóng cửa, yêu cầu các chủ cửa hàng phải chuyển hết đồ ra ngoài ngay trong đêm 3/1.
Theo chị Phương, nhân viên một quầy bán thời trang ở đây cho biết, thông báo của phía Parkson diễn ra quá đột ngột khiến cho không chỉ quầy của đơn vị chị mà các quầy xung quanh đều cảm thấy có phần bất ngờ và bức xúc.
"Khoảng trưa 2/1 thì bên chúng tôi nhận được thông báo từ phía Parkson yêu cầu các gian hàng phải chuyển hết đồ ra ngoài.
Dù chưa biết thế nào nhưng người quản lý cùng chúng tôi cũng tiến hành thu dọn và đưa hàng hóa ra. Tuy nhiên, chưa kịp chuyển ra thì bảo vệ của tòa nhà đã tiến đến các cửa chặn lại và không cho chuyển hàng ra.
Sau đó, các cửa bị đóng lại và tất cả khách hàng cũng như nhân viên, hàng hóa đều bị yêu cầu ở bên trong, không được ra ngoài"- chị Phương kể.
Đến chiều tối 4/1, các chủ hàng vẫn đang chờ xe đến chở đồ dọn từ Parkson Landmark đi.
Còn theo anh Thảo, đại diện một nhãn hàng giày kinh doanh tại đây cho hay, đến giờ anh vẫn còn cảm thấy quá bất ngờ với những gì đã diễn ra.
"Trước đó, chúng tôi không hề nhận được một thông báo nào, cho đến chiều hôm 2/1 thì nhận được thông báo của Parkson như vậy.
Thực sự là cảm thấy quá bất ngờ, hết hồn luôn và sáng 3/1 tôi phải bay gấp từ Đà Nẵng ra để giải quyết"- anh Thảo nói.
Cũng theo anh Thảo, dù bay gấp ra để giải quyết, nhưng do những hành động gây khó trong việc hạn chế giờ dọn dẹp, vận chuyển đồ ra ngoài của trung tâm,nên đến tối 4/1 anh vẫn chưa chuyển xong.
"Khi đến họ bắt phải nộp chứng minh thư rồi cấp thẻ thì mới được vào. Chưa hết, buổi sáng mãi đến 9 giờ 30 họ mới cho vào để dọn và chiều 5 giờ họ lại yêu cầu dừng dọn dẹp, đuổi ra và đóng cửa.
Việc hạn chế như vậy đã khiến cho chúng tôi phải mất rất nhiều công, thời gian, tốn kém về tiền bạc để dọn, vận chuyển hàng hóa của mình ra.
Parkson đã đưa ra quyết định đột ngột mà lại còn gây khó như vậy cho khách hàng khiến chúng tôi thực sự cảm thấy buồn, thất vọng"- anh Thảo chia sẻ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến 21 giờ 30 phút ngày 4/1, việc vận chuyển các kệ hàng của đơn vị anh Thảo mới hoàn tất. Toàn bộ số vật dụng này được chuyển lại về kho của công ty tại T.p Hồ Chí Minh.
"Hiện tại, chúng tôi cũng đang chuẩn bị các hồ sơ pháp lý để làm việc với phía Parkson để yêu cầu bồi thường.
Thực tế, ngoài Parkson Landmark, chúng tôi còn thuê một số địa điểm khác của họ ở T.p Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Nhưng với cách làm thế này là thiếu tôn trọng khách hàng"- anh Thảo bày tỏ.
Còn theo anh Duy, nhân viên một quầy rượu ở đây cho biết thêm, hiện hợp đồng thuê mặt bằng phía quầy của đơn vị và Parkson vẫn còn hiệu lực.
Tuy nhiên, yêu cầu dọn hàng đột ngột mà không thông báo trước của Parkson là phá vỡ quy tắc hợp đồng.
"Thực tế, việc buôn bán của quầy chúng tôi cũng không đạt hiệu quả như mong muốn, nhưng dù thế nào, Parkson cũng phải có thông báo trước để chúng tôi kịp chuẩn bị.
Còn như thế này, chúng tôi rất bị động, thuê phương tiện chở các giá, kệ hàng cũng khó khăn. Chưa kể những thông báo không dứt khoát và việc bảo vệ còn ngăn cản không cho mang đồ ra..."- anh Duy nói.
Đến hơn 20 giờ tối ngày 4/1, hàng hóa của nhiều quầy hàng vẫn xếp đầy trước cửa Parkson Landmark.
Các chủ hàng ăn uống tại tầng B1 của tòa nhà Keangnam cũng cho biết, việc yêu cầu dừng đột ngột của Parkson đã khiến họ bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo chị Châu, chủ cửa hàng BBQ ở tầng B1, quầy hàng của chị mới đi vào hoạt động được vài tháng với mức đầu tư lên tới hơn 2 tỷ đồng
"Bị ép đóng cửa như thế này vô tình đã đẩy chúng tôi đi vào con đường phá sản, trong khi hợp đồng vẫn còn hiệu lực gần 1 năm nữa.
Chúng tôi không biết phải làm thế nào, giờ nóng như lửa đốt”- chị Châu tâm sự.
Theo chị Châu thì quầy hàng của chị hiện vẫn đang lưu lại Parkson Landmark
"Họ phá vỡ hợp đồng thì chắc chắn sẽ phải đền bù về tổng giá trị mặt hàng đặt tại Parkson cũng như tổn thất của cửa hàng trong thời gian đóng cửa"- chị Châu nói thêm.
Parkson bị "tố" rất thờ ơ với hoạt động kinh doanh của các chủ đầu tư
Cũng theo phản ánh của các chủ hàng, thời gian đầu khi mới đi vào hoạt động, các quản lý, nhân viên của Parkson rất thân thiện, có trách nhiệm với khách hàng cũng như nhân viên các quầy.
Thông báo của Parkson được dán trước cửa TTTM Parkson Landmark.
"Tuy nhiên, thời gian gần đây, theo phản ánh của các nhân viên ở đây cho biết, các quản lý, nhân viên của Parkson Landmark dường như không còn trách nhiệm đó nữa.
Họ để mặc gian hàng nào tự sống thì sống, không quan tâm. Cách quản lý thực sự đang thủng rất nặng" - anh Thảo, đại diện đơn vị kinh doanh giày tại đây cho biết thêm.
Cùng với đó, theo một số chủ hàng, bảo vệ tại đây cũng thiếu đi sự thiện cảm đối với khách hàng vào mua hàng tại trung tâm nói chung và các quầy nói riêng.
"Nhiều bảo vệ ở đây không hề có được sự lịch sự tối thiểu mà ngôn từ dùng rất thô lỗ.
Họ thay vì bảo vệ trung tâm thì lại đi nhòm ngó, để ý các nhân viên của các quầy hàng" - anh Toàn, nhân viên một quầy hàng đồ uống kể.
Cũng theo quan sát của chúng tôi, cho đến chiều 4/1, các đơn vị kinh doanh vẫn tiếp tục vận chuyển đồ dưới sự giám sát của đơn vị tòa nhà.
Ngay phía cửa ra vào Parkson có dán biển thông báo: “TTTM Parkson Landmark 72 sẽ tạm đóng cửa đến ngày 07/01/2015 để kiểm kê và sắp xếp hàng hóa. Kính mong quý khách thông cảm”.
Các cửa ra vào tại đây đều có từ 2 - 4 bảo vệ đứng canh giữ bên ngoài và trong, chỉ người của đơn vị kinh doanh vận chuyển hàng và có thể ra vào mới được vào bên trong.
Trước đó, trong thông báo của mình, đại diện Parkson cho rằng, từ khi mở cửa vào năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt doanh thu như kế hoạch đề ra.
Vì vậy, toàn bộ TTTM Parkson Landmark sẽ dừng kinh doanh ngay lập tức, kể từ ngày ban hành thông báo này. Và ngày kinh doanh cuối cùng của TTTM Parkson Landmark là ngày 02 /01/015.