Theo Bloomberg, giá xăng A95 tại Singapore ngày 19/2 mở cửa ở mức 135,17 USD và giảm 0,78 đôla (tương đương 0,57%) so với ngày 18/2. Suốt một tháng qua, loại nhiên liệu này liên tục tăng từ 118,28 đôla mỗi thùng ngày 14/1 lên tới trên 135 đôla và cao nhất vào ngày 15/2 với 136,5 đôla.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho hay, theo định kỳ, tập đoàn đã báo cáo gửi Liên bộ Tài chính - Công Thương về tình hình lỗ lãi của kinh doanh xăng dầu. Hiện doanh nghiệp chịu lỗ phổ biến khoảng 1.800 đồng cho mỗi lít xăng dầu bán ra. Cá biệt, ở một số đơn vị nhập nhiều trong thời gian gần đây, chênh lệch có thể lên tới 3.000 đồng mỗi lít.
"Hiện Petrolimex chưa đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu vì trong bối cảnh đầu năm, lạm phát còn biến động. Quyền quyết định tăng giá xăng dầu thuộc về liên Bộ Tài chính - Công Thương", ông Năm khẳng định.
Một nguồn tin từ PVOil cho hay, doanh nghiệp xăng dầu bị lỗ từ trong Tết. Đối với mặt hàng xăng, doanh nghiệp lỗ khoảng 1.000 đồng mỗi lít đối với xăng và 4.00 đồng đến 500 đồng với mặt hàng dầu. Theo ông, mức lỗ đối với các doanh nghiệp sẽ là khác nhau tùy thời điểm nhập hàng khi giá cả lên xuống.
"Ngày hôm nay lỗ 1.000 đồng nhưng ngày mai có thể lỗ tới 1.200 đồng là chuyện bình thường. Dù lỗ nhưng đây là mặt hàng nhạy cảm và do nhiệm vụ bình ổn giá cả đầu năm nên chúng tôi vẫn chưa dám đề xuất tăng giá", ông khẳng định.
Trước đó, một doanh nghiệp đầu mối tại phía Nam cho biết, tính theo giá bình quân 30 ngày, từ 18/1 đến 18/2, mỗi lít xăng bán ra, doanh nghiệp đang lỗ 1.800 đồng. Trừ đi 1.000 đồng mỗi đang được sử dụng từ Quỹ bình ổn giá, doanh nghiệp vẫn lỗ 800 đồng một lít, song đơn vị này mới chỉ báo cáo liên bộ và chưa có đề xuất cụ thể về việc điều chỉnh giá.
Từ ngày 15/1 đến 8/2, liên bộ Tài chính - Công Thương 3 lần liên tiếp có quyết định giữ nguyên giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Để bù lỗ, liên bộ cho phép các doanh nghiệp tăng mức sử dụng Quỹ bình ổn giá từ 200 đồng - 500 đồng mỗi lít. Cụ thể, xăng tăng từ 500 đồng mỗi lít lên 1.000 đồng. Dầu Diezel và madut cùng tăng 200 đồng mỗi lít. Dầu hỏa tăng mức sử dụng Quỹ thêm 300 đồng mỗi lít, từ 400 đồng lên 700 đồng.
Quyết định của liên bộ được đưa ra dựa trên cơ sở chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành của mặt hàng xăng dầu đồng thời chia sẻ hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu khẳng định, việc trích quỹ bình ổn chưa đủ sức gỡ khó cho doanh nghiệp. Ông phân tích, với mức trích quỹ khoảng 1.000 đồng, trong khi doanh nghiệp lỗ tới 1.800 đồng, thậm chí hơn thì mức trích quỹ "chưa thấm vào đâu".