Khoảng chục năm nay, xã Đắc Sở trở nên nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc bởi nghề trồng phật thủ, trong đó nhiều hộ gia đình có thu nhập tới 300 - 400 triệu đồng/năm.
Anh Phong cho biết, trước đây gia đình anh thường buôn bán cam Canh, bưởi Diễn, thu nhập cũng tạm đủ sống.
Năm 2006, cây phật thủ bắt đầu được trồng phổ biến ở Đắc Sở, nhà anh Phong cũng thử trồng mấy chục cây, tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm nên hồi đó phật thủ đậu quả ít, mẫu mã kém dẫn đến bán không được giá.
Trò chuyện với các thương lái buôn hoa quả, anh thấy họ thường “quảng cáo” nhiều gia đình ở Tuyên Quang chỉ trồng phật thủ mà có tiền tỷ.
Anh luôn thắc mắc, không hiểu họ có bí quyết gì mà trồng phật thủ hiệu quả cao hơn ở quê mình?
Sau đó, qua tìm hiểu anh Phong nhận thấy, mặc dù phật thủ là loại cây dễ trồng, nhưng để cây lớn nhanh, ra nhiều quả, hình thức đẹp cũng phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, khoảng cách trồng cây cách cây 3,5m; hàng cách hàng 4,5m.
Quá trình chăm sóc phải bón phân chuồng ủ ải đều đặn, nửa tháng phải phun thuốc diệt nhện đỏ 1 lần, 2 tháng phun thuốc phòng trừ nấm cho cây...
Từ đó, nhờ áp dụng đúng quy trình nên vườn phật thủ của anh Phong luôn đạt năng suất cao, trung bình 80 - 100 quả/cây.
Anh cho biết thêm: “Muốn cây ra nhiều quả thì phải tiện cây và ép thuốc, xử lý hoa nở đúng thời điểm để có quả thu hoạch vào dịp Tết.
Mỗi năm phật thủ có 2 vụ thu hoạch chính. Ngoài ra, sau khi cắt quả bán cần tỉa bỏ luôn cành đó để cây nảy chồi mới, như vậy cây sẽ cho quả rải rác quanh năm”.
Anh Phong tiết lộ, nhiều hộ gia đình ở Đắc Sở trồng phật thủ lâu năm nhưng doanh thu chỉ đạt 30 - 40 triệu đồng/sào, riêng vườn nhà anh đạt tới 60 triệu đồng/sào.
“Từ đầu vụ đến nay, tôi đã thu về khoảng 800 triệu đồng, cộng cả vụ Tết ước tính doanh thu sẽ đạt 1,5 – 2 tỷ đồng.
Hiện, trong vườn nhà tôi quả phật thủ đẹp nhất giá khoảng 500.000 đồng, bán xô cũng phải 70.000 đồng/quả.
Ngoài ra, những quả bị méo, rụng đều có thể nhặt bán cho thương lái Trung Quốc với giá 10.000 đồng/kg”, anh Phong cho hay.