Ông chủ đặc biệt của trang trại mang tên Độc Nhất Một

Hà Lại |

Bị liệt tủy sống trong một tai nạn cách đây gần 15 năm, nhưng với nghị lực sống phi thường, người thanh niên khuyết tật đã trở thành giám đốc và là ông chủ trang trại mang tên "độc".

Nằm giữa những cánh đồng mía bạt ngàn là con đường đất nhỏ dẫn đến trang trại đặc biệt mang tên Độc Nhất Một.

Chủ nhân của trang trại có tên độc đáo đó là anh Nguyễn Mạnh Cường (SN 1982) xóm Trường Sơn, phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa - một thanh niên nằm liệt giường 15 năm nay.

Tiếp chúng tôi tại nơi làm việc, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt hàng ngày của mình, ông chủ trang trại hóm hỉnh: “Nhiều lần khách tìm đến tận trang trại để mua giống, nhưng vì đường vào trang trại quanh co, họ tỏ ý giận lắm vì mình không ra đón.

Đến khi vào đến nơi họ mới biết mình bị như thế này”.

Trong câu chuyện về mình, từ cách nói chuyện đến suy nghĩ của anh đều khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngỡ ngàng khác.

Khởi nghiệp với số vốn ít ỏi nhờ cắm hai sổ lương hưu của bố mẹ để vay vốn ngân hàng, cộng thêm ít tiền vay mượn được từ bạn bè.

Năm 2009 anh mua 2 đôi nhím, 4 đôi lợn rừng về gây giống. Đến nay, ngoài diện tích 1.400 m2 đất gia đình, anh mướn thêm 200 m2 đất để chăn nuôi đủ các loại đặc sản từ lợn rừng, sâu rồng, nhím, rùa, chồn nhung đen.

Việc chọn mua con giống cũng như giao dịch buôn bán đều do anh thực hiện qua mạng Internet. Bố mẹ thay anh giám sát trực tiếp công việc chăn nuôi của mình.

Chia sẻ về bước đầu lập nghiệp, anh Cường cho biết: “Song song với việc nhân giống, tôi cũng mua về bán cho người dân có nhu cầu. Nhờ thế mà vốn được quay vòng liên tục”.

Trang trại Độc nhất một nằm tọa lạc trên một diện tích đất rộng gần 2.000m2.

Trang trại Độc Nhất Một nằm tọa lạc trên một diện tích đất rộng gần 2.000 m2.

Năm 2012, nhận thấy nhu cầu về tranh đá quý, Cường kết hợp với Lê Thị Dung, người bạn bị liệt hai chân mà anh quen qua cộng đồng mạng cùng mở Công ty THHH đầu tư phát triển Tâm Ngọc, chuyên về tranh đá quý, để giải quyết việc làm cho những người khuyết tật trong vùng.

Vốn có nghề thiết kế đồ họa trong tay, Dung lặn lội lên tận Yên Bái học cách làm tranh đá quý rồi về truyền cho thợ.

Thời gian cao điểm, quy mô trang trại và Công ty Tâm Ngọc đã giúp giải quyết được gần 30 lao động phần lớn là những người khuyết tật.

Tích góp được ít vốn trong tay, Cường mở thêm trang trại sâu trong Đak Lak, để cung ứng cho thị trường khu vực Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, anh mua 50 ha đất trên Lạng Sơn để chuẩn bị cho kế hoạch trồng cây dược liệu sau này.

Chia sẻ về chiến lược kinh doanh của mình, anh cho biết: “Các con vật tôi kinh doanh không cố định lâu dài mà chỉ trong tầm nhìn từ 4 đến 5 năm là chuyển hướng, để phù hợp với thị trường.

Trong tương lai tôi tính chuyển sang mô hình kinh doanh cây dược liệu để xuất sang thị trường Trung Quốc”.

Có được thành quả như ngày hôm nay, ít ai biết được rằng anh đã từng mất 7 năm để luyện tập, cũng như kiên trì thuyết phục bố mẹ tin vào chiến lược kinh doanh của mình.

Biết bao lần anh cắn răng luyện viết chữ, bắt mình không được gục ngã trong khó khăn của cả gia đình.

Đó là năm 1999, khi người em trai kém Cường 2 tuổi mãi mãi ra đi vì một tai nạn.

Nỗi đau chưa nguôi ngoai trong gia đình nhỏ thì năm 2002, khi đang là sinh viên năm hai Trường Đại học dân lập Hải Phòng, anh bị tai nạn giao thông và bị liệt tủy sống. Một năm sau đó, mẹ anh cũng bị chấn thương sọ não.

Tài sản gia đình khánh kiệt khi mẹ nằm viện, bản thân anh nằm liệt một chỗ, gánh nặng gia đình đều đổ lên cha.

Nhìn bóng cha lầm lũi tảo tần chăm sóc gia đình đã thôi thúc anh muốn làm một việc gì đó để đỡ đần cha mẹ.

Anh Nguyễn Mạnh Cường trò chuyện cùng tác giả.
Anh Nguyễn Mạnh Cường trò chuyện cùng tác giả.

Hàng ngày, ngoài việc tập thể dục để ngăn cho cơ thể không bị hoại tử, anh còn luyện tập cho hai ngón tay còn lại duy nhất trên cơ thể phải biết nghe lời của mình.

Rồi anh tham gia vào các cuộc thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, “Làm giàu không khó” do địa phương phát động, cuộc thi viết kịch bản truyền thanh trên Đài tiếng nói Việt Nam...

Với mỗi kịch bản được dựng anh nhận được nhuận bút 400.000 đồng.

Trong năm 2007, tất cả số tiền Cường nhận được từ các cuộc thi anh đủ mua cho mình chiếc máy vi tính rồi bắt đầu manh nha ý nghĩ kiếm sống, làm giàu bằng chiếc máy tính này.

Ước mơ thay đổi số phận đã không ngừng thôi thúc anh cố gắng.

Đến nay, khi đã là giám đốc một công ty do mình sáng lập, anh vẫn luôn tự trau dồi cho mình vốn ngoại ngữ để tìm đọc những tài liệu về cây con giống mình đang nuôi trồng. Bởi với anh con đường học vấn không bao giờ có điểm cuối cùng.

Chia sẻ về tấm gương vượt khó điển hình tại quê hương, ông Nguyễn Văn Nga – trưởng xóm Trường Sơn cho biết: Anh Nguyễn Mạnh Cường là một trong những trường hợp điển hình không những vượt lên số phận, làm giàu cho bản thân mình anh còn góp phần tạo công ăn việc làm cho những người lao động tại địa phương, trong số đó có những người khuyết tật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại