Thuế, phí cao giá ô tô nhập tăng mạnh
Đại diện các nhà nhập khẩu ô tô được uỷ quyền chính hãng tại Việt Nam (VIVA) bao gồm Audi, Bentley & Lamborghini, BMW & Mini, Jaguar & Land Rover, Renault, Rolls Royce, Subara, Volkswagen mới đây đã có văn bản nêu ý kiến về các vấn đề liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt.
Các nhà nhập khẩu ô tô cho biết, họ bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc liên tục điều chỉnh chính sách thuế trong thời gian quá ngắn.
Sự thay đổi trong chính sách thuế gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, gây tiếng xấu cho môi trường kinh doanh và sự phát triển bền vững của ngành ô tô nói riêng tại Việt Nam.
"Một Nghị định vừa được ban hành gần như sửa đổi hoàn toàn bởi một văn bản luật khác có nội dung khác biệt", đại diện các hãng xe này chỉ ra.
Cũng theo các nhà nhập khẩu ô tô, chính việc thay đổi chính sách thuế liên tục gây tác động xấu đến thị trường và ảnh hưởng đến sức mua của ngành ô tô.
Trước đó, tháng 5/2015, các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng tại Việt Nam cũng từng gửi văn bản kiến nghị lên cơ quan quản lý phản hồi về đề xuất thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe hơi nhập khẩu dưới 24 chỗ.
Theo đại diện VIVA cách tính thuế mới chỉ có ưu điểm duy nhất là giúp tăng số thuế thu được nếu doanh số bán xe không sụt giảm, nhưng có rất nhiều nhược điểm, đẩy giá bán tăng cao.
VIVA phản đối vì dự thảo Bộ Tài chính công bố cho biết từ năm 2016 các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của xe nhập là giá bán ra chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường còn hiện tại giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với những dòng xe này được tính bằng giá khi vừa nhập cảng cộng với thuế suất.
Với cách tính thuế mới, thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp của các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải tăng lên do đây là khoản thuế gián thu và không ngoại trừ khả năng chi phí này sẽ được đưa vào giá bán, người tiêu dùng phải gánh chịu.
Từng trao đổi với BizLIVE, ông Andreas Klingler, Tổng giám đốc Porsche Việt Nam cho biết, thị trường ô tô tại Việt Nam đang khởi sắc nhưng một số vấn đề liên quan đến chính sách thường xuyên thay đổi và không có lộ trình thực sự ổn định ảnh hưởng, tác động mạnh đến doanh nghiệp sản xuất, phân phối xe hơi tại Việt Nam.
Ông Andreas Klingler cho rằng, với ngành công nghiệp ô tô, thuế, phí ảnh hưởng rất lớn trong khi Việt Nam luôn thay đổi chính sách, không có sự ảnh hưởng về lâu dài tác động tiêu cực đến thị trường.
Thuế, phí cao khiến giá bán ô tô tăng, người tiêu dùng do dự khi đưa ra quyết định mua hay không mua.
So sánh với thị trường Mỹ, Trung Đông, ông CEO Porche Việt Nam cho biết, giá của một chiếc xe Cayenne là 80.000 USD nhưng ở Việt Nam là hơn 200.000 USD, phần chênh lệch khoảng 2,5 lần rơi vào thuế, phí.
"Lợi nhuận mà doanh nghiệp thu về với những chính sách thuế hiện tại sẽ không cao, đa phần rơi vào thuế, phí và người chịu là khách hàng", ông Andreas nói.
Bảo hộ trong nước, chèn nhập khẩu
Chính sách thuế đối với ô tô của Việt Nam khiến các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng "đau đầu" và nhiều lần gửi đề xuất xem xét cũng như điều chỉnh hoặc kéo dài thời gian áp dụng.
Cùng lúc, lý giải được Bộ Tài chính, đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các luật về thuế cho biết, việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ hơn tại quy định tại Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành và đã có sự tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong khu vực.
Đáng lưu ý, Bộ Tài chính cho biết, định hướng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để khuyến khích phát triển dòng xe ô tô thân thiện môi trường.
Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển thị trường, tăng mức đầu tư để có khả năng cạnh tranh khi hội nhập.
Theo đó, giảm mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe ưu tiên phát triển.
Đồng thời, áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe đến 9 chỗ có dung tích trên 3.000 cm3 tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn và các chủng loại xe đến 9 chỗ có giá trị tuyệt đối lớn.
Tuy nhiên, theo thông tin mới đây, nội dung trên khi đưa ra lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị không chia loại xe có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống thành các nhóm có dung tích xi lanh nhỏ hơn (1.000 cm3).
Đặc biệt không giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt xuống mức 20% từ năm 2019 bởi, với mức này sẽ khuyến khích xe nhập khẩu, ảnh hưởng nhất định đến sản xuất ôtô trong nước, công ăn việc làm của người lao động trong ngành công nghiệp ôtô.