Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính riêng trong năm 2015, đã có 7 nước ASEAN đầu tư vốn FDI tại Việt Nam với 233 dự án cấp mới, 130 lượt tăng vốn, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 5,12 tỷ USD.
Dẫn đầu lượng vốn FDI vào Việt Nam trong số các nước ASEAN là Malaysia với 29 dự án cấp mới tổng vốn đăng ký 2,44 tỷ USD.
Đồng thời, Malaysia cũng có 20 lượt dự án tăng vốn với 30,8 triệu USD vốn tăng thêm, nâng tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm của nước này lên tới xấp xỉ 2,5 tỷ USD, chiếm 48,3% tổng vốn đăng ký của khu vực ASEAN vào Việt Nam năm 2015.
Thứ tự tiếp theo lần lượt thuộc về Singapore , Thái Lan, Brunei, Indonesia, Phillipines, Lào.
Lũy kế từ 1988 đến hết năm 2015, Malaysia xếp thứ 7/110 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam với 523 dự án còn hiệu lực và 13,4 tỷ USD vốn đăng ký.
Tuy nhiên, nếu xét về số lượng dự án của riêng năm 2015 thì Singapore là nước có số dự án FDI vào Việt Nam nhiều nhất trong khối các nước ASEAN với 138 dự án cấp mới, 1,2 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới và 66 lượt dự án tăng thêm, với 862,9 triệu USD vốn đăng ký tăng thêm.
Tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm từ nước này tại Việt Nam năm 2015 là 2,08 tỷ USD.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI từ các nước ASEAN vào Việt Nam đã đạt được kết quả nhất định nhưng vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng các nước trong khu vực.
Với việc AEC đã chính thức có hiệu lực vào ngày 31/12/2015 đây được coi là một cơ hội lớn về đầu tư và thương mại cho các nước thành viên và nhà đầu tư nước ngoài.
Nhiều thách thức cũng như cơ hội đang đặt ra đối với chính phủ và doanh nghiệp các nước thành viên.
Trong thời gian tới, đối với các nước ASEAN, các dự án đầu tư có quy mô lớn sẽ vào Việt Nam nhiều hơn. Các doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển của khu vực và họ sẽ có những điều kiện để thực hiện các dự án đầu tư lớn hơn.