Nông dân gom những thứ “không biết để làm gì” bán cho thương lái TQ

Pha Lê |

Trong thời gian gần đây, nhiều người dân đổ xô đi thu gom những loại cây, hạt để bán cho thương lái Trung Quốc.

Người dân đổ xô đi bắt ốc bươu vàng

Ốc bươu vàng là loài vật ngoại lai trước đây được nông dân miền Tây tận dụng để nuôi cá, vịt, ba ba… Nhưng hiện tại, loài này trở thành “đặc sản” để bán cho thương lái xuất khẩu, không còn đơn thuần để dành cho cá ăn.

Ông Nguyễn Ngọc Minh ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp cũng tham gia bắt ốc bươu vàng lấy ruột bán. Theo ông Minh, trước đây, sau khi thu hoạch vụ lúa mùa, đợi đến khi đồng ngập nước là ông mua 300 - 500m lưới ba màn để thả bắt cá, tôm nhưng thu nhập chỉ 70.000 đến 100.000 đồng mỗi ngày mà phải thức trắng đêm.

Từ khi có thương lái về địa phương săn mua ốc bươu vàng, cả nhà ông chuyển sang soi ốc. Mỗi đêm một người soi cũng kiếm được 150.000 đến 200.000 đồng.

Nhiều người cho rằng, hiện nay ở các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp... hoạt động đánh bắt thủy sản trầm lắng hơn rất nhiều so với nghề bắt ốc bươu vàng. Không chỉ có đàn ông, phụ nữ mà còn rất đông trẻ em số đi bắt ốc.

Hiện tại, trên địa bàn huyện có trên 10 cơ sở thu gom, sơ chế thịt ốc bươu vàng, sau đó bán cho một công ty ở TP.HCM với số lượng hàng tấn ốc thịt mỗi ngày. "Nghe nói từ TP.HCM, họ sẽ chuyển ốc đến Lào Cai, sang tay cho thương lái người Trung Quốc. Còn chuyện họ mua làm gì thì chúng tôi không rõ", một lãnh đạo ngành nông nghiệp Long Mỹ nói.

Thương lái thu mua hạt na bán sang Trung Quốc

Trước đây, người dân ăn na xong vứt hạt, thì nay thu gom lại, đem rửa sạch, phơi khô, dồn lại chờ thương lái đến tận nhà mua, giá khoảng 100 nghìn đồng.

Theo người dân, tiểu thương thu gom về sẽ đóng vào bao tải, dùng xe ôtô chở sang Trung Quốc bán. “Nghe nói họ thu mua hạt về để ươm giống, đợi đến mùa xuân tới sẽ trồng cây” - một tiểu thương cho hay.

Ông Hoàng Văn Khai - Chủ tịch UBND xã Chi Lăng - cho biết, giống na này trồng ở Hoài Đức (Hà Nội) không cho chất lượng tốt, nhưng khi lên Chi Lăng, do hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cho quả to, ăn ngọt, bùi, giá trị kinh tế cao. Tổng giá trị sau mỗi vụ thu hoạch trên toàn huyện vào khoảng 100 tỷ đồng.

Riêng xã Chi Lăng, khoảng 80% người dân trồng na. “Trước đây, Chi Lăng rất nghèo. Độ chục năm nay, cây na phát triển, được người tiêu dùng biết tới, ưa chuộng nên kinh tế phát triển theo. Nhiều gia đình thoát nghèo, có gia đình trở nên giàu có” - ông Khai nói.

Trước thông tin người Trung Quốc thu mua hạt na về ươm giống, người dân địa phương lo lắng sau vài năm nữa giống na Chi Lăng sẽ phải cạnh tranh với chính “người anh em” của mình khi lứa cây mới trồng cho thu hoạch.

Hiện chính quyền xã đang kiểm tra, vận động người dân không nên bán hạt na sang Trung Quốc và đề nghị các cơ quan chức năng trong tỉnh có biện pháp bảo vệ thương hiệu na Chi Lăng.

Đổ xô vào rừng gom cây dại bán cho thương lái TQ

Thời gian qua, tại xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) rộ lên tình trạng người dân vào rừng tìm chặt cây mặt quỷ (hay còn gọi đu đủ rừng) để bán cho thương lái. Ông Lê Ngọc Chính (ở thôn Bố Lang, xã Sơn Thái) kể: “Cách nay khoảng 2 tháng, một số thương lái ở thị xã Ninh Hòa đến Sơn Thái đặt mua cây mặt quỷ với giá khá cao nên chúng tôi đã lặn lội vào rừng tìm chặt loại cây này mang về bán. Tuy không biết họ mua làm gì nhưng mỗi cây dài từ 1 - 1,2m, to bằng bắp tay trở lên có giá 80.000 đồng.

Một ngày vào rừng khai thác cây mặt quỷ kiếm được tiền triệu thì dại gì không làm”. Do giá bán cao nên ngoài việc vào rừng chặt cây, ông còn thu gom của những người khác, khi đủ số lượng sẽ chở đi thị xã Ninh Hòa bán kiếm lời. Thời gian cao điểm, mỗi ngày ông Chính có thể thu gom được hơn 100 khúc cây.

Lực lượng chức năng thu giữ cây mặt quỷ.

Nhiều người đổ xô vào rừng tìm loại cây này. Ngoài người dân các xã Sơn Thái, Yang Ly còn có người ở một số địa phương khác cũng tìm đến các cánh rừng phía Tây Khánh Vĩnh để khai thác. “Tại Khánh Vĩnh, loại cây này chủ yếu mọc ở ven những con suối trên đèo Khánh Lê - Lâm Đồng, cây lớn nhất chỉ cao khoảng 2 - 2,5m. Vì người khai thác nhiều nên dọc theo những con suối này các cây mặt quỷ đã bị chặt tan hoang”, ông Cao Ngân - một người dân xã Sơn Thái cho hay.

Ông Võ Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thái cho biết: “Từ trước đến nay, cây mặt quỷ chỉ là loại cây mọc hoang, không có giá trị gì. Khi thấy thương lái đến địa phương tìm mua loại cây này, chúng tôi rất nghi ngờ. Tuy nhiên, dù cất công tìm hiểu từ các thương lái, chúng tôi vẫn không biết họ thu mua để làm gì mà giá cao đến vậy. Chỉ nghe nói thương lái người Việt đứng ra thu gom rồi bán lại cho thương lái Trung Quốc”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại