“Nóng” chuyện sáp nhập ngân hàng và câu chuyện của GPBank

Trần Giang |

Theo nguồn tin riêng, GPBank đang có ý định sáp nhập vào LienVietPostBank thay vì bán 100% cổ phần cho đối tác nước ngoài là UOB (ngân hàng của Singapore).

Tuy nhiên, lãnh đạo LienVietPostBank khẳng định là không nhận sáp nhập với đối tác này, vì trước đây đã thực hiện sáp nhập với Công ty dịch vụ tiết kiệm bưu điện.

Tính cho đến thời điểm này, LienVietPostBank vẫn thực hiện khai thác hết các điểm giao dịch của công ty này và đang còn phải đầu tư rất lớn vào mạng lưới này, nên phương án nhập thêm một ngân hàng nữa sẽ không tính đến.

Hơn nữa, “việc sáp nhập Công ty dịch vụ tiết kiệm bưu điện đã giúp cho LienVietPostBank có một bước tiến bằng cả trăm năm”, khi được quyền khai thác 10.000 điểm giao dịch.

Đây chính là quy mô và tiềm năng lớn để LienVietPostBank từ đó để phát triển mà không phải sáp nhập thêm ngân hàng khác nữa.

Vậy phương án tái cơ cấu của GPBank sẽ được Ngân hàng Nhà nước tính toán như thế nào?

Cần phải nói, câu chuyện tái cơ cấu của GPBank rất thu hút sự quan tâm của thị trường, bởi đây là trường hợp đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước công bố bán 100% cổ phần cho đối tác nước ngoài vào từ năm 2011 đến nay.

Thương thảo giá

Câu chuyện tái cơ cấu của GPBank được xác định từ cuối năm 2011 theo hướng sẽ bán 100% vốn cho ngân hàng nước ngoài là UOB.

Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu thực hiện thương vụ này, cả hai bên đã khó đi đến thống nhất về mức giá.

Về phía GPBank, mức giá bán cho UOB được các ông chủ kỳ vọng sẽ bán được mức giá hợp lý một chút. Còn bên UOB thì muốn nhân cơ hội này ép được mức giá rẻ một chút.

Rõ ràng, cũng là mức giá hợp lý, nhưng quan điểm của bên bán và bên mua về nó lại khác nhau.

Bởi vậy, sau 3 năm thực hiện khảo sát, thương thảo và tìm hiểu, thương vụ này đã không đi đến hồi kết.

Nguyên nhân, có lẽ không chỉ vì mức giá, mà còn là do bên mua là UOB kỳ vọng sẽ là ngân hàng con tại Việt Nam chứ không phải là chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Bên ngoài chi nhánh của GPBank.
Bên ngoài chi nhánh của GPBank.

Hơn nữa, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là sau khi tái cơ cấu sẽ có những ngân hàng lớn và có sức cạnh tranh cao. Bởi vậy, hướng sáp nhập, hợp nhất để làm lớn mạnh ngân hàng nội sẽ được ưu tiên hơn.

Rơi vào tình huống này, câu hỏi đặt ra là trường hợp của GPBank sẽ được Ngân hàng Nhà nước xử lý như thế nào?

Cần phải nhấn mạnh rằng, thông điệp của Ngân hàng Nhà nước ngay từ đầu năm đã rất mạnh mẽ, quyết liệt trong việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Trong đó, ngoài việc hợp nhất, sáp nhập, cơ quan này sẽ tính đến phương án phá sản, giải thể.

Tại buổi tọa đàm “Làm ăn gì trong năm 2015?”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, cũng nhấn mạnh một trong những giải pháp xử lý các ngân hàng yếu kém là trong trường hợp TCTD tái cơ cấu không thành công thì NHNN sẽ áp dụng các biện pháp mạnh theo quy định của pháp luật là đảm bảo an toàn của hệ thống, loại bỏ ngân hàng yếu kém ra khỏi hệ thống.

Trước đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh, cũng cho biết đối với những TCTD yếu kém không có triển vọng phục hồi và phát triển, NHNN cũng kiên quyết xử lý pháp nhân theo quy định của pháp luật, kể cả áp dụng biện pháp giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc thì kiên quyết xử lý pháp nhân theo luật định.

Liệu có bén duyên ngoại?

Một câu chuyện bán cổ phần nữa liên quan tới ABBank cũng đang thu hút sự quan tâm của thị trường.

Mới đây Chính phủ đã yêu cầu EVN ngừng bán đấu giá số cổ phần đang nắm giữ tại ABBank. Động thái này nói lên điều gì?

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Ủy ban kinh tế của Quốc hội, cho rằng việc dừng đấu giá này, có thể hiểu, Chính phủ muốn vực dậy ngân hàng này bằng cách sẽ làm cho ngân hàng này lớn mạnh lên theo hướng hợp nhất với một ngân hàng nào đó để mở rộng quy mô và mạng lưới.

Hoặc có thể bán cho một tổ chức tài chính nước ngoài.

Hiện ABBAnk đang có 3 cổ đông lớn là MayBank, IFC và EVN.

Nóng chuyện sáp nhập ngân hàng.
"Nóng" chuyện sáp nhập ngân hàng.

Nếu bán cho nước ngoài, có thể Chính phủ sẽ đồng ý phương án tăng lượng sở hữu cổ phần nước ngoài tại ABBank.

Mong muốn của ABBank là muốn được bán cho đối tác nước ngoài lên 49%. Đây cũng là một hướng tốt để tái cơ cấu ngân hàng.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết một trong hướng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đó là Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khuyến khích sự tham gia của ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là tham gia vào các ngân hàng yếu kém để có thể giúp các ngân hàng cơ cấu lại hoạt động.

“Nghị định 01 của Chính phủ quy định trong trường hợp đặc biệt để cơ cấu lại TCTD yếu kém, gặp khó khăn đảm bảo an toàn hệ thống TCTD, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một TCTD cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn đối với từng trường hợp cụ thể”, bà Hồng cho biết.

Tuy nhiên, việc bán cổ phần ABBank cho đối tác nước ngoài, Chính phủ kỳ vọng sẽ bán được giá cao để thu hồi vốn chứ không muốn bán lỗ. Bởi vậy, hướng lựa chọn đối tác nước ngoài với ABBank cũng còn nhiều gian nan.

Cần phải nói rằng, phương án được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ưu tiên trong công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đó là dựa vào nguồn lực trong nước.

Bởi vậy, với dự kiến năm 2015 sẽ có khoảng 6 thương vụ sáp nhập, hợp nhất thì chủ yếu sẽ là một ngân hàng lớn cưu mang ngân hàng bé hoặc thâu tóm ngân hàng nào nhỏ hơn để mở rộng quy mô.

Theo bà Hồng, năm 2015, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, định hướng đề án 254, trong đó có định hướng tái cơ cấu các NHTM để trở thành các ngân hàng vươn ra tầm khu vực.

Thực tế, các ngân hàng nội cũng đang rất nỗ lực trong việc thực hiện tái cơ cấu theo hướng sẽ lớn mạnh lên. NamABank cũng là một điển hình.

Ngân hàng này hiện đang tung ra thông tin liên quan đến việc sẽ sáp nhập với một TCTD nào đấy và sớm niêm yết trên sàn chứng khoán.

Hiện thị trường đang đồn đoán đối tượng thâu tóm của NamABank là một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại Hà Nội. Những giao dịch gần đây của NamABank đang cho thấy tham vọng đó.

Trước đó, Vietcombank đã phát đi thông tin sẽ sáp nhập một ngân hàng vào hệ thống. Đối tượng được xác định sau quá trình tìm hiểu là Saigonbank.

Ngoài ra, BIDV và Vietinbank cũng sẽ tham gia vào quá trình tái cơ cấu này bằng cách nhận một ngân hàng vào hệ thống.

Đối tượng của BIDV sẽ sáp nhập một ngân hàng phía Nam, đối tượng được xác định là ngân hàng nhà nước. Còn Vietinbank được xác nhận là sẽ nhận PGBank.

Trước đây, khi có thông tin sẽ về một nhà với Vietinbank, PGBank đã đưa thông tin lên website của ngân hàng nhưng sau đó gỡ xuống.

Nguyên nhân được đại diện ngân hàng này giải thích là do thời điểm đó chưa được Ngân hàng Nhà nước đồng ý.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã đồng ý về mặt nguyên tắc. Hiện hai bên đang thực hiện khảo sát, sớm nhất cũng phải đến cuối tháng 6/2015 hoặc cuối năm mới có thông tin chính thức.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại