Chuyên gia kinh tế Ngô Quang Thành, kinh tế trưởng Trung tâm Chính sách và chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam, cho biết ngưỡng an toàn nợ công của một quốc gia theo Ngân hàng Thế giới là 50% GDP. Như vậy tỉ lệ nợ công của nước ta đã vượt qua ngưỡng này, tuy nhiên, theo ông Thành vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Thưa ông, tại sao lại có nhiều con số về nợ công như vậy?
+ Ông Ngô Quang Thành: Số liệu nợ công khác nhau là do có sự khác biệt về khái niệm. Thông thường nợ công được hiểu là nợ của khu vực công. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nợ công là toàn bộ khoản nợ của chính phủ và những khoản nợ được chính phủ bảo lãnh.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ công bao gồm nợ của khu vực tài chính công và khu vực phi tài chính công. Tại hầu hết các nước trên thế giới, nợ công được xác định bao gồm nợ của chính phủ và nợ được chính phủ bảo lãnh. Một số nước, nợ công còn bao gồm nợ của chính quyền địa phương như Bungaria, Rumani…; nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phi lợi nhuận như Thái Lan, Macedonia…
Tại Việt Nam, Luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ 1-1-2010 quy định nợ công bao gồm: Nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Trong đó nợ Chính phủ là khoản nợ được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ, các khoản nợ do Bộ Tài chính ký kết, phát hành hoặc ủy quyền phát hành. Nợ Chính phủ bảo lãnh là khoản nợ của doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng vay trong nước, nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Nợ chính quyền địa phương là khoản nợ do UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương ký kết phát hành hoặc ủy quyền phát hành.
Nhiều khoản vay của DNNN đang tiềm ẩn rủi ro
Có ý kiến cho rằng nếu theo con số của Bộ Tài chính thì mỗi người Việt Nam đang gánh 810,39 USD, thưa ông?
+ Con số này chẳng qua người ta tính chia đều trên đầu người bất kể già trẻ, gái trai, không phân biệt người có và không có thu nhập, thu nhập ít và cả nhiều… Vì thế chúng ta cần cẩn trọng khi diễn giải con số này để tránh hiểu nhầm. Có rất nhiều ví dụ minh họa về con số trung bình này. Chẳng hạn, một quốc gia có một người giàu và một người nghèo và chia con số trung bình thì cả hai người đóng thuế ngang nhau. Tuy nhiên, trên thực tế thì chỉ có người giàu có thu nhập mới phải đóng thuế.
Vậy theo ông nợ công Việt Nam có đáng lo ngại khi đã vượt ngưỡng an toàn?
+ Dù với quan niệm nào thì hiện nay nợ công của Việt Nam đang ở tình trạng báo động, rất đáng lo ngại. Vấn đề quan tâm nhất hiện nay là chúng ta có rơi vào tình trạng vỡ nợ hay không. Theo tôi, khó có khả năng này xảy ra. Năm 2012, nghiên cứu của IMF, WB và tham vấn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dựa vào số liệu năm 2010 có đánh giá về nợ công Việt Nam nêu rõ kịch bản dự báo có tính đến các phương án, mức độ rủi ro đến năm 2031. Theo đó, quản lý nợ công ở Việt Nam trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên theo tôi, vẫn còn có các rủi ro tiềm ẩn nằm ở các khoản nợ của các DNNN chưa được minh bạch hóa. Cụ thể, có các khoản vay của DNNN có bảo lãnh của Chính phủ nhưng chưa được công bố. Hoặc là có sự can thiệp của Nhà nước vào các khoản vay nợ của DNNN như trong vụ Vinashin: Các DNNN đã mua lại các khoản vay của Vinashin trong quá trình tái cơ cấu Vinashin.
Nền kinh tế nguy cơ bị tác động kép?
Những hệ lụy này sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế, thưa ông?
+ Tình trạng nợ cao như hiện nay đã và đang sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Nếu yếu tố từ nợ công và những khó khăn bởi tình hình kinh tế trong nước như nợ xấu ngày càng tăng trong ngân hàng, bất động sản đóng băng, chứng khoán xuống dốc, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, thất nghiệp gia tăng… không được giải quyết. Cộng lại tất cả yếu tố này sẽ làm cho nên kinh tế đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Nếu không đổ vỡ, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh tế trong ngắn và trung hạn, đến tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Bởi một khi tiền không có, nguồn lực tái cơ cấu bị phân tán hoặc thậm chí bị giằng xé bởi các nhóm lợi ích.
Nguy cơ tiềm ẩn này sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế, thưa ông?
+ Những nguy cơ này không còn tiềm ẩn nữa mà nó đang tác động đến đời sống kinh tế chúng ta. Biện pháp cấp bách mang tính đột phá hiện nay là tái cơ cấu DNNN, điểm mấu chốt trong chương trình tái cơ cấu hiện nay. Theo số liệu năm 2011, có đến 30 tập đoàn, tổng công ty hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn ba lần. Trong đó có tám đơn vị có hệ số trên 10 lần, 10 doanh nghiệp 5-10 lần, 12 tập đoàn, tổng công ty 3-5 lần. Nghĩa là vốn chủ sở hữu có một nhưng vay gấp mấy lần. Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, lạm phát còn cao, tỉ lệ lợi nhuận thấp thì khả năng các DNNN lỗ, mất khả năng trả nợ khá cao.
Vậy theo ông các DNNN phải tái cấu trúc như thế nào?
+ Theo kinh nghiệm Hàn Quốc xử lý khủng hoảng 1997-1998, cần cho phép bán kể cả cho nước ngoài các DNNN mà không chỉ các DNNN hoạt động kém hiệu quả vì tình hình nợ như hiện nay, sớm hay muộn các DNNN nào còn khả năng cầm cự cũng sẽ bị liên lụy do ảnh hưởng dây chuyền của các DNNN phá sản. Bản thân các DNNN chưa phá sản hiện nay cũng đang chật vật đối phó với các khoản nợ của mình chứ đừng nói gánh thêm các khoản nợ khác như xử lý trong vụ Vinashin. Và nếu làm được điều này cũng sẽ thúc đẩy thị trường mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam.
Bài học đắt giá từ thế giới
Thưa ông, có nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ không?
+ Có rất nhiều nước đã từng bị vỡ nợ và hiện nay nhiều nước đang đối mặt với việc vỡ nợ là: Bồ Đào Nha, Ireland, Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Síp… Nguyên nhân từ việc chính sách tài khóa lỏng lẻo, mở rộng hệ thống ngân hàng một cách thái quá, sử dụng đồng vốn vay kém hiệu quả…
Vậy chúng ta có thể học tập gì từ các nước đã vượt qua khủng hoảng?
+ Những năm 1997, 1998, để tháo gỡ khó khăn, chính phủ Hàn Quốc đã phải chấp nhận vay khẩn cấp IMF 57 tỉ USD với những điều kiện ngặt nghèo, tiến hành cải cách mạnh mẽ, xây dựng nền kinh tế thị trường dân chủ, phá bỏ quyền lực của các tài phiệt, coi trọng các công ty vừa và nhỏ, giảm sự can thiệp của nhà nước, chống câu kết chính trị, kinh doanh.
Mặt khác, Hàn Quốc đã áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, kêu gọi huy động quốc dân, quyên góp tiền vàng ủng hộ chính phủ nhằm tăng dự trữ vàng và khi cần thiết chính phủ có thể bán để thu về ngoại hối trả nợ. Kết quả là Hàn Quốc đã thành công trong việc khắc phục khủng hoảng trong thời gian ba năm (1998-2000), trả xong nợ của IMF.
Mới đây, chính phủ Síp đã quyết định bán vàng dự trữ trị giá 400 triệu euro để trả nợ.
Trong nỗ lực vượt qua khủng hoảng, ngoài các giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế, Hàn Quốc còn kêu gọi dân góp vàng. Thưa ông, Việt Nam là một trong những quốc gia có dự trữ vàng trong dân rất lớn, liệu chúng ta có thể làm như vậy được không?
+ Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng dự trữ như cách của Síp đã làm thì điều này còn tùy thuộc vào mức dự trữ vàng của quốc gia. Còn Chính phủ kêu gọi người dân bán vàng ủng hộ Nhà nước là một ý tưởng hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu làm được chúng ta sẽ đối mặt với áp lực gia tăng lạm phát do phải bỏ ra một lượng lớn tiền để thu vàng trong dân. Và điều này có thể ảnh hưởng đến các cân đối kinh tế vĩ mô, kể cả ảnh hưởng đến việc trả nợ gốc và lãi vay. Còn việc kêu gọi quyên góp vàng, theo tôi không khả thi trong điều kiện hiện nay.
Cảm ơn ông!