Những sự kiện bất động sản nổi bật 2011

vytran |

Bất động sản 2011 chìm sâu trong khủng hoảng, phải gồng mình chịu đựng một năm đầy sóng gió.

1. Nghị quyết 11 siết tín dụng bất động sản

Nhiều dự án bất động sản chậm tiến độ vì thiếu vốn.

Để giảm áp lực lạm phát và bình ổn kinh tế vĩ mô, ngày 24/2, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 và chưa đầy một tuần sau, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có Chỉ thị 01. Theo đó, tỷ trọng cho vay phi sản xuất, trong đó có chứng khoán và bất động sản, phải giảm xuống không quá 16% vào cuối năm. Ngay sau chủ trươngsiết vốn tín dụng bất động sản, thị trường bất động sản gặp khó khăn. Kể từ cuối tháng 4, đầu tháng 5, địa ốc rơi vào trạng thái trầm lắng ở hầu hết các phân khúc.

Thậm chí, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã phải nhiều lần đăng đàn đề xuất giải cứu thị trường bất động sản. Bộ hiến kế, các khoản mục vay xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ sản xuất kinh doanh, vay mua nhà để ở cần phải tăng tỷ trọng cho vay.

Thời điểm gần cuối năm, Ngân hàng Nhà nước quyết định mở van tín dụng cho một số nhu cầu vốn để xây dựng nhà bán, cho thuê cho người thu nhập thấp... Thủ tướng cũng đưa ra thông điệp sẽ tiếp vốn cho những dự án bán trong năm 2012 có tính thanh khoản cao song giới chuyên gia cho rằng, những giải pháp này chỉ giống một liều thuốc tinh thần, chưa thể giúp thị trường có bước khởi sắc rõ rệt.

2. Dự án chung cư mi ni đầu tiên tại TP HCM đổ bể

Khu đất 622/38 Cộng Hòa, phường 13, quận Tân Bình là dự án chung cư mi ni Vinacomplex III vẫn còn trống không nhưng khách hàng đã đóng tiền mua căn hộ đến 30% giá trị.

Giữa tháng 2, dự án chung cư mi ni đầu tiên tại TP HCM làVinacomplex IIIloại được chào bán và được nhiều khách hàng đặt mua. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH tổ hợp Vina dự kiến sẽ bàn giao nhà vào tháng 5. Tuy nhiên, đến tháng 6, khi khách hàng đã đóng 30% giá trị căn hộ, dự án vẫn chưa được khởi công.

Thêm vào đó, chủ đầu tư lại bị tố bán nhà trên giấy do khu đất đã bị chủ đất lấy lại nên khách hàng yêu cầu chủ đầu tư hoàn tiền. Tuy nhiên, hành trình đòi tiền của khách hàng gặp khó khăn do chủ đầu tư nhiều lần thất hứa. Đến khi khách hàng nổi giận, dọa sẽ kiện ra tòa thì được doanh nghiệp hoàn tiền theo kiểu nhỏ giọt.

3. Căn hộ cao cấp và nhà thu nhập thấp đều ế hàng

Nhiều người xếp hàng bốc thăm suất mua nhà thu nhập thấp đã thất vọng vì giá quá cao.

Trong năm 2011, không chỉ có căn hộ cao cấp vắng khách mà nhà thu nhập thấp cũng lâm vào cảnh ế ẩm. Tại TP HCM, hầu hết các dự án căn hộ tại quận 2, 7 có giá bán 1.500-3.000 USD mỗi m2 đều không có nhiều giao dịch vì giá cao và thị trường thiếu vốn.

Còn tại Hà Nội, sau cơn sốt nhà thu nhập thấp ở Ngô Thị Nhậm, hàng loạt dự án thuộc diện này đều rơi vào cảnh ế ẩm. Không đủ tiền đóng tiến độ, nhiều khách hàng mua nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (Hà Đông), Sài Đồng (Long Biên) buộc phải xin chủ đầu tư giãn tiến độ. Thậm chí một số người đã tính đến phương án phải hủy hồ sơ đăng ký, chấp nhận nộp phạt hàng chục triệu đồng.

Nguyên nhân nhà thu nhập thấp ế ẩm là mức giá 10-13,27 triệu đồng một m2 là quá cao, vượt khả năng chi trả của lao động nghèo. Thậm chí có người tính toán với thu nhập dưới 5 triệu một tháng, họ phải nhịn ăn, nhịn uống, nhịn mặc ròng rã 15 năm mới mua được nhà.

4. Hàng loạt dự án bất động sản giảm giá, bán tháo

Dự án An Tiến (Gold House) giảm giá 20% đã bán hết 500 căn hộ trong tháng 11.

Trong quý III, cả TP HCM và Hà Nội đều chứng kiến hàng loạt dự án địa ốc giảm giá mạnh. Cú sốc đầu tiên nổ ra tại TP HCM với dự án của Công ty cổ phầnđịa ốc Dầu khígiảm giá tới 35%. Kế đến, Công ty Sài Gòn Mekong cũng gây sốc khi giảm tới 20% giá bán 500căn hộ An Tiến. Tiếp theo đó, tại Hà Nội, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bemes đã giảm giá từ 5-7 triệu đồng mỗi m2 căn hộ tại dự án VP3 Linh Đàm và CT6 Xa La.

Trước khi Công ty Địa ốc Dầu khí bán tháo dự án, nhiều công ty bất động sản tại TP HCM và Hà Nội cũng từng đại hạ giá hoặc chào những điều kiện ưu đãi khó tin cho khách hàng, nhằm giải quyết khó khăn về vốn. Chẳng hạn như trả tiền trước so với tiến độ sẽ được ưu đãi lãi suất, tặng ôtô cho khách hàng ký hợp đồng đầu tiên...

5. Bùng nổ mâu thuẫn trong các chung cư

Cư dân dán biểu ngữ phản đối chủ đầu tư.

Năm 2011 đánh dấu hàng loạt vụ tranh chấp tại các dự án cao cấp ở Hà Nội. Mở màn là việc hàng trăm cư dân sống tại chung cư Sky City Tower phản đối chủ đầu tư thu 2,5 triệu đồng một tháng phí gửi ôtô, mức gấp đôi quy định của UBND thành phố. Chỉ đến khi cư dân biểu tình, chủ đầu tư mới nhượng bộ.

Tiếp đến là rắc rối xung quanh tòa nhà cao nhất Việt Nam. Tòa nhà Keangnam Landmark Tower (Phạm Hùng) xảy ra tranh chấp vì phí dịch vụ "khủng". Gần đây nhất là bãi đỗ xe tiền tỷ của Golden Westlake tiếp tục gây tranh cãi khi chủ đầu tư yêu cầu các cư dân không có tiền thuê dài hạn (chỉ thuê theo tháng) phải xuống đỗ tại tầng hầm B2, trong khi nơi này luôn chật chội.

Tại TP HCM mâu thuẫn trong chung cư thậm chí còn căng thẳng tới mức khách hàng và chủ đầu tư lôi nhau ra tòa để giải quyết tranh chấp. Điển hình là ba sự cố: chung cư 584 Tân Kiên (Bình Chánh) bất ngờ biến thành bệnh viện, khu thương mại chung cư Khang Phú chuyển công năng sang thành phòng khám nhi và cư dân chung cư Quốc Cường khởi kiện chủ đầu tư để đòi tiền nộp phạt chậm giao nhà.

Theo VNE

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại