Bà Phạm Thị Diệu Hiền
Sinh năm 1961, quê ở Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu Giang, bà Phạm Thị Diệu Hiền từng giữ cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Thuỷ sản Bình An (Bianfishco). Năm 2011, với tổng giá trị xuất khẩu đạt 48,86 triệu USD, Bianfishco nằm trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và top 25 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi tổ chức đám cưới siêu sang cho con trai và hotgirl Thùy Chi với hàng chục siêu xe và có sự tham gia của nhiều tên tuổi trong showbiz, nữ đại gia Bianfishco bất ngờ bị phanh phui các khoản nợ lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó có hàng trăm tỷ với nông dân nuôi cá.
Ngay trong lúc hàng trăm hộ nông dân căng biểu ngữ đòi trả tiền và các ngân hàng từ chối cho công ty vay tiền, bà Diệu Hiền đã sang Mỹ với lý do bệnh ung thu tái phát.
Vụ việc dịu lại khi Ngân hàng Á Châu ký quyết định đồng ý giải chấp tài sản để Công ty Bình An trả nợ, đồng thời Ngân hàng cổ phần Sài Gòn - Hà Nội nhận chuyển nhượng 50% cổ phần của bà Diệu Hiền và trở thành thành viên sáng lập mới của công ty này.
Ông Đặng Văn Thành
Ông Đặng Văn Thành sinh năm 1960, quê ở Hải Nam - Trung Quốc. Ông Thành đã có 18 năm liên tục là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Sacombank. Theo thống kê đến ngày 18/12, ông Thành là người giàu thứ 15 trên sàn chứng khoán với lượng cổ phiếu trị giá 871 tỷ đồng. Con trai cả của ông Thành là ông Đặng Hồng Anh ở vị trí thứ 16 với lượng cổ phiếu trị giá 840 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mới đây ông Đặng Văn Thành bất ngờ từ chức Chủ tịch Sacombank và bị cơ quan công an mời lên làm việc.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ
Trong một bài phỏng vấn được đăng tải trên Reuter vào tháng 11 vừa qua, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Trung Nguyên cho biết: “Tham vọng của chúng tôi là trở thành một thương hiệu toàn cầu. Starbucks thật giỏi trong vấn đề in sâu một câu chuyện vào tâm trí người tiêu dùng, nhưng nếu chúng ta nhìn vào những yếu tố cốt lõi của họ, những gì mà họ đang làm dở tệ”, ông Vũ nhận xét.
Đồng thời, ông Vũ cho rằng: “Họ không bán cà phê, mà đang bán nước có mùi cà phê pha với đường”.
Ngay sau ý kiến này của ông Vũ, dư luận có rất nhiều ý kiến trái chiều khác nhau.
Bà Thái Hương
Khoảng tháng 6/2012, trong một đoạn trích bài phát biểu, bà Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH Group có viết: “Khi bắt tay vào làm thương hiệu cho TH True Milk, có người nói với tôi rằng: chị có hai đối thủ lớn nhất trên thị trường. Nhưng tôi khẳng định: tôi không có đối thủ. Tôi cảm ơn Vinamilk và các hãng sữa khác đã tạo cho người dân Việt Nam thói quen uống sữa. Tôi muốn làm bạn với họ, song tôi không đi chung con đường với họ, tôi chọn con đường hoàn toàn khác cho mình”.
Ngay sau phát biểu này của bà Thái Hương, nhiều chuyên gia kinh tế, Hiệp hội sữa Việt Nam và chính khổ chủ đem ra phân tích với những ý kiến trái chiều khác nhau. Trong khi nhiều ý kiến nhận định phát ngôn của bà Thái Hương quá ngạo mạn thì cũng có ý kiến lại bày tỏ sự đồng tình với phát biểu của bà Hương.
Cựu CEO Habubank Bùi Thị Mai
Ngày 6/11, Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Hà Nội (SHB) công bố thông tin việc miễn nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc đối với bà Bùi Thị Mai và bố trí làm nhân viên tại Ban quản lý và xử lý nợ có vấn đề. Trước đó, bà Mai thôi chức Tổng giám đốc Habubank (khi sáp nhập vào SHB) và được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc SHB.
Việc lãnh đạo ngân hàng bị thôi chức để tập trung đi thu nợ không hiếm nhưng trường hợp của cựu CEO Habubank lại gây ra ầm ĩ vì những lý do riêng.
(tổng hợp)