Ông Mạnh cho biết, mục tiêu của NHNN là vừa có thể giải quyết được khó khăn trước mắt nhưng phải đảm bảo được sự ổn định lâu dài. Bởi, nếu chỉ giải quyết được những vấn đề trước mắt thì một hai năm sau lại lặp lại kịch bản lạm phát lúc quá cao, lúc thấp, kinh tế tăng trưởng lúc nóng, lúc lạnh.
Trước đó, trình bày về tình hình “sức khỏe” chung của cộng đồng doanh nghiệp, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phản ánh, đến nay, các doanh nghiệp thiếu tài sản thế chấp trong khi lại không có thị trường đầu ra.
Phương án dùng hàng tồn kho để làm tài sản thế chấp không được phía ngân hàng chấp nhận do không bán được.
Mặc dù có hệ thống bảo lãnh tín dụng nhưng hiện nay công cụ này không phát huy tác dụng. Vì chưa vay được vốn nên DNVVN vẫn không vào được hệ thống đánh giá tín dụng của ngân hàng.
Tham dự tại Hội nghị, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch HH Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá, những phản ánh về nền kinh tế hiện nay chưa cho thấy hết tính nghiêm trọng của vấn đề.
“Tôi không tin vào con số 55.000 doanh nghiệp đắp chiếu hồi tháng 4/2012 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp”. Theo đó, ông Mại cho biết, theo nhiều nguồn tin, số doanh nghiệp giải thể đã hơn 100.000 đơn vị.
Do vậy, theo ông, nếu không giải cứu mà vẫn để doanh nghiệp khó khăn như hiện nay thì có cơ may để doanh nghiệp có thể vượt qua được, sang tới 2013.
Giải pháp trước mắt quan trọng nhất là phải cứu được các DN đang bên bờ phá sản, có khả năng phục hồi nếu được Nhà nước ứng cứu. Đối với những doanh nghiệp này, bức thiết không phải là thương hiệu mà trước hết phải là vốn.