80% doanh thu của ACV đến từ dịch vụ hàng không
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đang quản lý 22 cảng hàng không trên cả nước, trong đó có 21 cảng hàng không đang khai thác, đồng thời cũng đang góp vốn đầu tư vào 3 công ty con và các công ty liên kết.
Hoạt động kinh doanh của Tổng công ty có thể được phân thành 3 lĩnh vực chính: Dịch vụ hàng không, Dịch vụ phi hàng không và Bán hàng.
Phần lớn doanh thu của ACV được hình thành từ hoạt động cung cấp dịch vụ hàng không (chiếm trên 80% tổng doanh thu).
Điều này phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng khối lượng vận chuyển hành khách qua cảng, khối lượng vận chuyển hàng hóa qua cảng và số lượt máy bay hạ cất cánh tại các cảng hàng không do Tổng công ty quản lý và khai thác.
Đối với dịch vụ phi hàng không, doanh thu từ nguồn này chủ yếu được hình thành từ hoạt động khai thác không gian và diện tích mặt bằng trong nhà ga dưới sự quản lý của ACV, bao gồm các dịch vụ như cho thuê mặt bằng, cho thuê văn phòng, cho thuê mặt bằng quảng cáo, chi phí bến bãi gửi xe và các dịch vụ khác.
Hoạt động náy không chịu sự quản lý về mức giá của Bộ tài chính.
Doanh thu phi hàng không chiếm tỷ trọng nhỏ so với dịch vụ hàng không, tuy nhiên tỷ lệ này đã có xu hướng tăng nhẹ trong những năm gần đây.
ACV cho biết trong giai đoạn 2012 – 2014, Tổng công ty có lợi nhuận chênh lệch tỷ giá phát sinh từ hợp đồng vay ODA tài trợ cho các dự án của ACV.
Các hợp đồng này chủ yếu được thực hiện bằng đồng Yen Nhật. ACV đã loại trừ các khoản lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái chưa thực hiện khi xác định giá trị lợi thế kinh doanh của Tổng công ty để phù hợp với thực tế hoạt động.
Dư nợ vay ODA chiếm hơn 67 tỷ JPY
Trong cơ cấu nguồn vốn của ACV, tỷ lệ nợ phải trả và vốn chủ sở hữu tương đối cân bằng. Vốn điều lệ của ACV được tăng bổ sung trong giai đoạn 2012 – 2014 từ nguồn vốn ngân sách cấp bổ sung và quỹ đầu tư phát triển.
Giai đoạn 2012 – 2014 là thời kỳ cao điểm của ACV, Tổng công ty tập trung thực hiện chiến lược cải tạo và mở rộng cơ sở hạ tầng hàng không theo Quy hoạch các cảng hàng không đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Do đó, ngoài việc tận dụng triệt để các nguồn tài trợ nội tại, Tổng công ty đã sử dụng nguồn vốn vay ODA dài hạn.
Dư nợ các hợp đồng vay ODA của ACV đến thời điểm 31/12/2014 là 67,9 tỷ JPY chủ yếu phục vụ mở rộng 2 công trình: Dự án xây dựng Nhà ga hàng khách Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất và Dự án xây dựng Nhà ga Quốc tế T2 Nội Bài.
Sẽ huy động thêm 1.662 tỷ đồng sau cổ phần hóa
Tại thời điểm 30/6/2014, tài sản cố định của ACV được kiểm kê phân loại thành tài sản trong khu bay và tài sản ngoài khu bay.
Trong đó tài sản trong khu bay không được tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Giá trị sổ sách của tài sản trong khu bay là 1.914 tỷ đồng, giá trị sổ sách của tài sản ngoài khu bay là 6.147 tỷ đồng.
Hiện nay, ACV đang quản lý 59 cơ sở đất với diện tích 3.104,68ha. Các khu đất bên ngoài khu vực sân bay là 35 cơ sở đất với tổng diện tích 13,67ha.
Trong đó có 14 cơ sở đất có vị trí ngoài khu vực cảng hàng không, sân bay nhưng nằm trong bản đồ quy hoạch sân bay bao gồm các đài dẫn đường bay K1,K2, diện tích 8,28ha.
Ngày 31/12/2014, Bộ GTVT đã ban hành quyết định về giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của công ty mẹ ACV.
Theo đó, giá trị thực tế của doanh nghiệp để cổ phần hóa là 37.919 tỷ đồng. Giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.769 tỷ đồng.
Dự kiến sau khi chuyển thành công ty cổ phần, Tổng công ty sẽ phát hành thêm để huy động khoảng 1.662 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu đầu tư.
Đầu tư vào nhiều công ty trong cùng lĩnh vực liên quan đến Hàng không
Tại thời điểm 30/6/2015, ACV sở hữu trực tiếp công ty con cùng hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến ngành Hàng không với tổng giá trị đầu tư hơn 700 tỷ đồng.
Ngoài ra, ACV còn đầu tư trực tiếp vào 5 công ty liên kết và đầu tư dài hạn vào 1 công ty.
Sau thời điểm này, ACV còn góp 10% thành lập CTCP Đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) và dự kiến sẽ tham gia góp vốn thành lập CTCP Bay kiểm tra hiệu chuẩn hàng không Việt Nam với tổng mức vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó ACV tham gia dưới 30% vốn.