Những đại gia nào tạo dựng nên bộ mặt kinh tế tỉnh Ninh Bình?

Theo số liệu do tỉnh Ninh Bình công bố, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 46,08% GDP năm 2014, khu vực nông lâm nghiệp thủy sản chiếm 13,94%, khu vực dịch vụ chiếm 39,98%.

Kinh tế địa phương là một bộ phận quan trọng cấu thành kinh tế quốc gia, trong đó sự đóng góp của các doanh nghiệp là một trong những động lực đáng kể.

Mỗi địa phương có những thế mạnh riêng đối với từng ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

Bởi vậy, các doanh nghiệp địa phương cũng hình thành và phát triển theo hướng khá đặc thù với nơi họ sản xuất, kinh doanh chính.

Để giúp độc giả hiểu thêm phần nào về kinh tế các tỉnh, thành và những doanh nghiệp đáng chú ý ở mỗi khu vực kinh tế này, CafeBiz xin trân trọng giới thiệu bài viết đề cập đến Ninh Bình - một địa phương có khá nhiều doanh nghiệp tiếng tăm trong ngành xây dựng.

Đặc điểm kinh tế Ninh Bình

Cách đây không lâu Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACVN) phối hợp cùng Liên đoàn đô thị Canada (FCM), chương trình phát triển liên hợp quốc (UNDP), chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) đã tổ chức một buổi hội thảo về phát triển kinh tế địa phương.

Tại hội thảo này, ACVN cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng, sự phát triển kinh tế địa phương sẽ góp phần quan trọng vào sự ổn định và phục hồi nền kinh tế ở mỗi quốc gia, trong đó các đô thị có vai trò đầu tàu trong nền kinh tế của đất nước.

Nằm ở cực Nam đồng bằng Bắc bộ, tỉnh Ninh Bình là một trong những địa phương đóng góp không nhỏ vào kinh tế toàn vùng.

Năm 2014, tốc độ tăng trưởng GDP của Ninh Bình (theo giá so sánh năm 2010) tăng 9,83% so với năm 2013, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 2.963 tỷ đồng.

Về cơ cấu kinh tế, Ninh Bình hiện đang chuyển dịch theo hướng nâng cao tỷ trọng các ngành sản xuất, đặc biệt là khu vực công nghiệp - xây dựng (tăng từ 43% năm 2013 lên 46% năm 2014).

Theo số liệu do tỉnh Ninh Bình công bố, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 46,08% GDP năm 2014, khu vực nông lâm nghiệp thủy sản chiếm 13,94%, khu vực dịch vụ chiếm 39,98%.

Ninh Bình có điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc ưu tiên phát triển khu vực công nghiệp - xây dựng. Địa hình Ninh Bình có 3 vùng rõ rệt:

- Vùng đồng bằng: Gồm Thành phố Ninh Bình, huyện Yên Khánh, huyện Kim Sơn và diện tích còn lại của các huyên khác trong tỉnh.

Diện tích khoảng 101 nghìn ha, chiếm 71,1% diện tích tự nhiên. Dân cư vùng này chiếm khoảng 90% dân số toàn tỉnh.

Vùng đồng bằng của Ninh Bình có tiềm năng phát triển nông nghiệp, về công nghiệp có sửa chữa tàu, thuyền, chế biến lương thực thực phẩm, thương nghiệp dịch vụ.

- Vùng đồi núi và bán sơn địa: Nằm ở phía tây, tây Nam tỉnh, diện tích khoảng 35 nghìn ha, chiếm 24% diện tích tự nhiên.

Vùng này tập trung 90% diện tích đồi núi và rừng tỉnh Ninh Bình và có điều kiện rất thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp như sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ,…

- Vùng ven biển: Diện tích 6 nghìn ha, chiếm 4,2% diện tích, là vùng đất còn nhiễm mặn nhiều.

Nhắc đến Ninh Bình phải nhắc đến đá vôi. Đá vôi chính là nguồn tài nguyên khoáng sản lớn nhất của địa phương này.

Tại đây có những dãy núi chạy dài hơn 40 km, trữ lượng hàng chục tỷ mét khối đá vôi, hàng chục triệu tấn đôlômít. Đây là nguồn nguyên liệu lớn để sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng và một số hóa chất khác.

Các doanh nghiệp lớn nhất ở Ninh Bình

Với đặc điểm tự nhiên phù hợp với ngành công nghiệp - xây dựng nên phần lớn các doanh nghiệp lớn tại Ninh Bình hoạt động trong lĩnh vực này.

Một số sản phẩm công nghiệp, xây dựng chủ lực của tỉnh Ninh Bình có thể kể đến như phân đạm, xi măng clinker, thép cán, gạch nung, cần gạt nước ô tô, kính nổi, khai thác đá,…

Nhìn chung, 5 ngành công nghiệp tiêu biểu cho hoạt động công nghiệp của tỉnh Ninh Bình gồm: Xây dựng, xi măng, phân đạm, cán thép, công nghiệp ô tô.

Sau đây là một số doanh nghiệp nổi bật:

Xuân Trường, Xuân Thành: 2 đại gia xây dựng Ninh Bình

Xuân Trường và Xuân Thành là hai doanh nghiệp lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tại Ninh Bình.

DNTN Xuân Trường do doanh nhân Nguyễn Văn Trường gây dựng.

Tỷ phú Nguyễn Văn Trường chi hàng tỷ đồng đầu tư các khu du lịch ở Ninh Bình- ảnh Vietnamnet.
Tỷ phú Nguyễn Văn Trường chi hàng tỷ đồng đầu tư các khu du lịch ở Ninh Bình- ảnh Vietnamnet.

Xuân Trường là doanh nghiệp đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào khu du lịch Tràng An - Bái Đình, cùng nhiều khu du lịch khác như hồ Đồng Chương, công viên văn hóa Tràng An, tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế....

Ngoài việc điều hành doanh nghiệp Xuân Trường, ông Trường còn là chủ tịch HĐQT CTCP du lịch Hoa Lư, giám đốc khách sạn Hoa Lư.

Trong lĩnh vực khách sạn - du lịch, đại gia Nguyễn Văn Trường đầu tư 200 tỷ hoàn thiện nhà khách 5 sao trên diện tích 20.000 m2.

Ông còn nổi tiếng với việc chi 100.000 USD để đích thân sang Ấn Độ rước ngọc xá lợi về Việt Nam, cũng như dùng 3 siêu xe Limousine, Hummer, Lincoln để đón đoàn cao tăng về Ninh Bình.

Nếu Xuân Trường nổi danh với tổ hợp du lịch Tràng An - Bái Đính thì Xuân Thành ghi dấu trong lĩnh vực du lịch ở đất cố đô từ rất lâu trước đó với Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động.

Bộ sưu tập siêu xe của bầu Thụy có tới 7 chiếc Roll-Royce.Ảnh: Vietnamnet.
Bộ sưu tập siêu xe của bầu Thụy có tới 7 chiếc Roll-Royce.Ảnh: Vietnamnet.

Tập đoàn Xuân Thành được hình thành từ Công ty cổ phần đầu tư & phát triển Xuân Thành.

Tiền thân là Hợp tác xã xây dựng Bình Minh thành lập năm 1976 do ông Nguyễn Xuân Thành (cha của doanh nhân Nguyễn Đức Thụy) làm chủ nhiệm.

Xuân Thành hiện nay không chỉ hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, mà còn tham gia vào kinh doanh cảng nước sâu, xi măng, taxi, bất động sản, khoáng sản, vận tải, thủy điện và từng kinh doanh cả bóng đá.

Xuân Thành từng thâu tóm một loạt dự án khủng của tỉnh như Trung tâm Thương mại Chợ Rồng, Khách sạn Hoa Lư, Khu nhà thi đấu đa năng, Sân vận động tỉnh, Nhà máy xử lý Chất thải, Trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh, hay Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình.

Ranh giới hoạt động của Xuân Thành dần mở rộng sang các tỉnh thành khác ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Xuân Thành là nhà thầu đảm nhận việc thi công khu tái định cư và hạ tầng kỹ thuật cho dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng Sơn Dương của Formosa tại Vũng Áng (Hà Tĩnh), Thủy điện tích năng Đông Phù Yên (Sơn La), Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) hay khu resort Thác Đa tại Ba Vì (Hà Nội).

Thành công trong kinh doanh nhưng phải đến khi đổ tiền làm bóng đá thì ông chủ của Xuân Thành - Nguyễn Đức Thụy mới được chú ý., tuy nhiên không thu được mấy thành công.

Bầu Thụy từng là ông bầu của 2 đội bóng là Sài Gòn Xuân Thành (đã giải tán năm 2013), bảo hiểm Thái Sơn Quảng Nam.

Hoàng Phát Vissai - ông trùm ngành xi măng Ninh Bình

Doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn nhất tại Ninh Bình hiện nay là công ty TNHH Hoàng Phát Vissai hay còn được biết đến với cái tên Tập đoàn xi măng The Vissai.

Ninh Bình còn có 2 doanh nghiệp xi măng lớn là Xi măng Tam Điệp và CTCP xi măng Hướng Dương (Xi măng Pomihoa).

Hoàng Phát Vissai thành được dẫn dắt bởi doanh nhân kiêm ông bầu câu lạc bộ Xi măng The Vissai Ninh Bình, ông Hoàng Mạnh Trường.

Hoàng Mạnh Trường là ông bầu bóng đá nổi tiếng với những phi vụ chuyển nhượng khủng. Ảnh: Vietnamnet.
Hoàng Mạnh Trường là ông bầu bóng đá nổi tiếng với những phi vụ chuyển nhượng khủng. Ảnh: Vietnamnet.

Hoàng Phát Vissai bắt đầu đặt chân vào lĩnh vực sản xuất xi măng năm 2005 với việc thành lập công ty TNHH Xi măng Vinakansai trực thuộc Công ty TNHH đầu tư phát triển thương mại sản xuất Hoàng Phát.

Đến năm 2008, Hoàng Phát Vissai mua lại nhà máy Thép Việt Nga nay là nhà máy thép Vinakansai và đổi tên công ty TNHH Xi măng Vinakansai thành tập đoàn xi măng The Vissai.

Năm 2010, The Vissai mua lại toàn bộ nhà máy xi măng Vinashin Hà Nam, nay là công ty xi măng Vissai Hà Nam.

Năm 2014, The Vissai tiếp tục đầu tư nhà máy xi măng Sông Lam tại Nghệ An.

Sang năm 2015, The Vissai mua lại nhà máy xi măng dầu khí 12/9 Nghệ An và đổi tên thành xi măng Sông Lam 2. Hiện The Vissai có 9 dây chuyền sản xuất Clinker và xi măng.

Ngoài xi măng, The Vissai còn hoạt động trong lĩnh vực dệt may, sản xuất sắt thép, vận tải đường bộ, thủy điện, khách sạn, resort.

Một số doanh nghiệp đáng chú ý khác:

Đạm Ninh Bình - doanh nghiệp sản xuất phân đạm lớn nhất tỉnh

Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình thành lập năm 2011, thuộc tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem). Công ty này hiện có công suất 560 nghìn tấn Ure và 320 nghìn tấn amoniac mỗi năm.

Cán thép Tam Điệp - công ty cán thép lớn nhất Ninh Bình

Ngoài việc tham gia của tập đoàn The Vissai lĩnh vực này còn có sự tham gia của công ty TNHH cán thép Tam Điệp.

Ban đầu đây là 1 đơn vị thuộc CTCP xi măng Hướng Dương, đến năm 2013, công ty này ký hợp đồng với tập đoàn théo Kyoei (Nhật Bản) thành lập liên doanh.

Công ty TNHH cán thép Kyoei Việt Nam ra đời trong đó cán thép Tam Điệp góp 30% vốn, Kyoei góp 70% vốn, với mục tiêu xây dựng nhà máy cán thép chất lượng cao với tổng vốn đầu tư là 218 triệu USD.

CTCP ô tô Thành Công Ninh Bình - đại gia ô tô đất cố đô

CTCP ô tô Thành công Ninh Bình thành lập năm 2011, là một đơn vị thành viên của CTCP Tập đoàn Thành Công.

Công ty này có nhà máy lắp ráp Huyndai Thành Công tại khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình với vốn đầu tư 80 triệu USD. Công suất thiết kế của nhà máy này hiện là 40.000 xem thương mại/năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại