Cách đây không lâu, việc chất vấn các vị nắm giữ “đồng tiền, bát gạo” quốc gia ngầm được hiểu như “vùng nhạy cảm”. Ít có đại biểu nào “động chạm” bởi chỉ cần “khác ý” là biết đâu lại chẳng ảnh hưởng đến ngân sách của ngành mình, địa phương mình…
Thế nhưng giờ đây, hình như mọi chuyện đã thay đổi. Nhiều và ngày càng nhiều đại biểu vượt qua e ngại, thắng thắn đối thoại với các vị đứng đầu các cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước… Một không khí dân chủ đã và đang phát huy mạnh mẽ trong nghị trường.
Và vì nắm “bát cơm manh áo” nên giờ đây, chính các bộ ngành này lại chịu nhiều áp lực nhất. Ngay buổi họp đầu tiên về kinh tế xã hội được truyền hình trực tiếp, đã có rất nhiều câu hỏi “hóc búa” chất vấn Thống đốc Ngân hàng và Bộ trưởng Tài chính.
Ví như Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã nhận được các câu hỏi không dễ trả lời như vấn đề quản lý các giá và kiểm soát lạm phát, mức thuế và phí cao hơn các nước trong khu vực và thế giới, khơi thông thị trường, giải quyết hàng tồn kho…
(Minh họa: Vũ Toản)
Riêng vấn đề tăng lương, Bộ trưởng Huệ đã tìm ra giải pháp bằng cách cơ cấu lại các khoản chi và triệt để tiết kiệm để có thể thực hiện lộ trình. Tuy nhiên, không ít cử tri cho rằng việc tăng này quá nhỏ so với trượt giá.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình thì “nguy” hơn bởi một loạt câu hỏi rất… nhạy cảm, buộc ông phải đứng lên giải trình trước Quốc hội. Đó là những câu hỏi thế nào được coi là nợ xấu? Thực trạng là bao nhiêu? Bao giờ thì hết nợ xấu? Rồi có hay không lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng? ĐB. Nguyễn Bá Thanh còn đặt câu hỏi: “Thông thường khi vay mà không trả được nợ thì ngân hàng sẽ siết nhà, siết đất nhưng ngân hàng vẫn không siết nợ là vì sao?”.
Tuy nhiên, câu hỏi của ĐB. Nguyễn Văn Hiền có lẽ còn khó hơn. Ông Hiền đặt vấn đề rằng hiện tại, giá vàng chia làm hai, SJC và phần còn lại. Trong khi phần còn lại bám sát giá vàng thế giới thì tại sao SJC lại luôn cao hơn giá vàng thế giới 2 - 3 triệu đồng/lượng? Rồi nếu SJC chỉ nhận gia công và nhận phí thì SJC gia công cho ai? Tại sao giá chênh lệch như vậy và chênh lệch vào túi ai? Ngân sách nhà nước có được hưởng không?
Ông Hiền còn lo ngại xuất hiện vàng nhái SJC gây hoang mang lớn, trong khi chỉ SJC mới có quyền phán là nhái hay không. Khi khẳng định vàng nhái thì thu mua vào trừ 3 triệu đồng/lượng, nếu chuyển đổi mất 3 triệu và vàng nhái bán lại cho SJC mất 3 triệu nữa là 1 lượng vàng, người dân mất 6 triệu đồng…
Đại biểu Hiền đề nghị công khai minh bạch trong chính sách vàng và các chính sách khác nếu không càng làm suy giảm lòng tin đã xuống rất thấp và tạo nghi ngờ về động cơ, mục đích…
Thành thực về việc vàng SJC này có phần khó hiểu. Ví dụ một lượng vàng 9999, chất lượng như nhau khi “tráng men” qua SJC thì nó nghiễm nhiên có giá cao hơn các thương hiệu khác tới 3 triệu đồng. Và nếu một trăm ngàn lượng hay một triệu lượng chẳng hạn, số lợi nhuận đó là bao nhiêu? Ai được hưởng?...
Khó, thưa Thống đốc!
Và toàn là những câu hỏi không hề dễ trả lời dành cho ông, phải không các bạn?