Chính UBND TP đã thừa nhận hoạt động của các trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống một số nơi hoạt động kém hiệu quả.
Theo ghi nhận, không ít trung tâm thương mại (TTTM) ở Hà Nội đi vào hoạt động nhiều năm nay nhưng nhiều diện tích trống, thậm chí có nơi còn “đắp chiếu” toàn bộ diện tích hàng chục nghìn mét vuông.
Khách thưa thớt
Dù vị trí khá thuận lợi ở nơi có nhiều nhà cao tầng, công sở nhưng ba tầng của TTTM Grand Plaza (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy) với gần 15.000m2 bị bụi phủ mờ hơn hai năm nay.
Ngày chủ nhật hoặc ngày lễ chỉ lác đác vài người qua lại bên ngoài khi dự đám cưới trong khuôn viên tòa nhà. Trước đây nơi này từng mở cửa đón khách, nhưng do quá ế ẩm nên đóng cửa từ hai năm nay.
Tương tự, TTTM Melinh Hà Đông ngoài siêu thị Metro ở tầng 1, còn ba tầng phía trên dù là mùa mua sắm cuối năm nhưng cũng khá đìu hiu. Đặc biệt tầng 2 hiện còn trống vài trăm mét vì chưa có người thuê.
“Người đến chủ yếu xem là chính, rất ít khách mua” - chị Nguyệt, chủ gian hàng đồ da tại đây, cho biết.
Nằm giữa trung tâm thủ đô, nhưng TTTM - chợ Hàng Da, gần 10g sáng một ngày cuối tháng 12-2015 nhiều kiôt vẫn đóng cửa. Ông N.M.H., chủ kiôt rượu tại đây, bộc bạch:
“Cứ ngỡ trung tâm hoành tráng, to đẹp khách sẽ đến nườm nượp. Thế nhưng khách đến xem cũng ít chứ nói gì đến mua. Thậm chí có ngày chỉ có người bán hàng trong trung tâm qua lại”.
Trong khi các TTTM hiện hữu rơi vào cảnh ế ẩm thì một số nơi tại Hà Nội vẫn đẩy nhanh việc triển khai xây dựng các TTTM mới để thay thế các chợ truyền thống.
Gần đây nhất là TTTM sắp xây ở gần chợ Nành (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội), nơi nhiều tiểu thương đã cho con nghỉ học để phản đối xây dựng.
Theo ông Nguyễn Anh Tú - chánh văn phòng UBND huyện Gia Lâm, dự án có diện tích 4.900m2, cao ba tầng.
Trước câu hỏi nhiều TTTM ở TP Hà Nội xây dựng “hoành tráng” nhưng vắng khách, việc xây thêm TTTM nếu hoạt động không hiệu quả liệu có lãng phí, ông Nguyễn Anh Tú giải thích:
“Việc cấp phép cho các TTTM thuộc thẩm quyền của UBND TP Hà Nội. Còn việc buôn bán lỗ lời của doanh nghiệp về phía cơ quan quản lý ở cơ sở không thể can thiệp”.
Giãn tiến độ xây TTTM
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Nam, phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội, cho biết từ năm 2013 HĐND TP Hà Nội đã có cảnh báo về việc chuyển đổi chợ truyền thống theo mô hình chợ gắn với TTTM.
Mới đây, trả lời cử tri về thực tế hoạt động của mô hình chợ - TTTM sau chuyển đổi từ chợ truyền thống, UBND TP Hà Nội cũng thừa nhận hoạt động kinh doanh của mô hình này còn một số hạn chế.
Trong đó nguyên nhân chủ yếu là do mô hình mới, thiết kế khu vực chợ - TTTM chưa hợp lý, thuận tiện cho việc mua sắm, nhất là khu để xe.
Để khắc phục những hạn chế hiện tại, ông Nam cho biết TP Hà Nội đã kiến nghị với Chính phủ về thiết kế mẫu mô hình xây dựng chợ gắn với TTTM.
Việc này Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng, Bộ Công thương nghiên cứu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thiết kế chính thức về mô hình này.
Bên cạnh đó, từ thực tế và “cảnh báo” qua các kỳ họp của HĐND về mô hình chợ gắn với TTTM không hiệu quả, TP Hà Nội đã giãn, hoãn tiến độ với các dự án có ý tưởng chuyển đổi theo mô hình này.
“Việc xem xét các dự án xây dựng TTTM hiện nay không thể nóng vội. Ý định đầu tư là của chủ đầu tư, nhưng cơ quan quản lý phải xem xét kỹ trên việc đánh giá nhu cầu thực tế chứ không được nóng vội để sau khi xây dựng không có hiệu quả” - ông Nam nói.
TP.HCM: “thoi thóp” do vắng khách
Vào trung tâm Parkson Lê Đại Hành (quận 10, TP.HCM) những ngày cuối năm 2015 có thể thấy một cảnh buôn bán ế ẩm, đìu hiu đến lạ, tại nhiều gian hàng treo biển giảm giá la liệt.
Sức mua kém khiến nhiều khách thuê mặt bằng bán hàng đã bỏ trốn để “quỵt” tiền thuê tại trung tâm thương mại này.
Thê thảm nhất là tại khu vực lầu 3 chuyên bán thời trang nam và đồ thể thao có hai cửa hàng bán mắt kính và bút hiệu vừa “biến mất” do ế ẩm.
Chị T., nhân viên một gian hàng quần áo nam gần đó, cho hay: “Khu vực này buôn bán ế ẩm, đặc biệt những gian hàng không có thương hiệu càng không có khách mua”.
Đi dọc từ lầu 3 đến tầng trệt của TTTM này, nhiều khu vực treo biển cho thuê mặt bằng nhan nhản nhưng vẫn chưa có khách thuê.
Chị Hằng, chủ một gian hàng thời trang tại đây, kể: “Chị thuê 80-90m2, mỗi tháng phải trả tiền mặt bằng 50-60 triệu đồng, nhưng doanh số trong thời gian gần đây cứ giảm dần.
“Tiền thuê rất đắt đỏ nhưng khách hàng ở đây lại ít, họ chủ yếu đi dạo chơi là chính chứ ít khi mua đồ” - chị Hằng lý giải.
Dù đang là dịp cuối năm, nhiều TTTM đua nhau khuyến mãi, có nơi giảm giá tới 50-70% nhưng sức mua vẫn kém.
Theo chân một nhóm khách hàng vào TTTM Parkson trên đường Trường Sơn (phường 2, quận Tân Bình), đầu tiên nhóm này ghé vào các khu vực bán giày dép bởi đây là khu vực khuyến mãi nhiều nhất, nhóm có năm người nhưng cuối cùng chỉ một người mua một áo thể thao giảm giá 500.000 đồng.
Nhóm này tiếp tục đi qua các khu vực quần áo thời trang, đồ nội thất nhưng chỉ ngó nghiêng rồi bỏ đi. Cuối cùng nhóm ra về chẳng mua thêm món hàng nào.
Duy Nhân, một bạn trẻ trong nhóm, cho biết hiện nay là thời điểm cuối năm, nhiều mặt hàng giảm giá mạnh nên cả nhóm rủ nhau đi xem nhưng nhiều nơi giảm giá không đúng, mà chỉ là cái cớ để tuồn hàng tồn kho, hàng lỗi kỹ thuật, lỗi mốt ra bán.
“Hàng trong các khu TTTM giá rất cao so với thu nhập của tôi, trong khi đó hiện nay các shop (cửa hàng) bên ngoài hoặc bán trên mạng có giá “mềm” hơn nhiều, nhiều sản phẩm tương tự nhưng giá rẻ hơn 50%” - Nhân giải thích.
Dạo qua các TTTM lớn tại khu vực trung tâm quận 1, quận 3, sức mua khá hơn một chút nhờ lượng khách đông. Tuy nhiên khách chủ yếu vào trốn nóng và lui tới tại các khu vực giải trí, ẩm thực nhiều hơn mua sắm.
Trong vai khách đi thuê mặt bằng tại một TTTM trên đường Lý Tự Trọng (quận 1), chúng tôi được giới thiệu rất nhiều mặt bằng còn trống để thuê. Trong đó phần lớn là mặt bằng ở các lầu trên và trong góc.
ĐÌNH DÂN