Nhiều cơ hội giảm lãi suất cho vay

CafeF |

Lãi suất cho vay có khả năng giảm được khoảng 1% mà vẫn đảm bảo cho ngân hàng có lãi.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 2 tháng đầu năm, tín dụng của toàn hệ thống vẫn âm 0,28% trong khi huy động vốn tăng 3% so với cuối năm 2012.

Các chuyên gia đánh giá rằng, tín dụng tăng trưởng thấp do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Các ngân hàng khẳng định họ đã tạo điều kiện khá thuận lợi cả về lãi suất lẫn điều kiện vay và NHNN thì cho rằng đó là do yếu tố mùa vụ.

Các doanh nghiệp trong khi đó cho rằng nguyên nhân chính khiến họ dè chừng vay vốn là lãi suất vẫn còn quá cao trong khi tiêu thụ hàng hóa chậm. Hiện lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên phổ biến từ 9 – 12%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác là 11 – 15%/năm ngắn hạn và 14,6 – 17,5%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD ở mức 5-7%/năm đối với ngắn hạn; 6-8,5%/năm đối với trung và dài hạn.

Nhiều cơ hội giảm lãi suất cho vay
 

Doanh nghiệp và giới chuyên gia đều cho rằng, với mức lãi suất hiện nay, dù ngân hàng có tha thiết bao nhiêu thì doanh nghiệp cũng khó mà mặn mà thế chấp tài sản để lấy vốn kinh doanh. Chừng nào lãi suất ngắn hạn về khoảng 10%/năm, trung và dài hạn còn khoảng 12- 13% thì mới kích thích được dòng tiền.

Mong ước lãi suất về 10 - 13%/năm e rằng chưa thực tế ở thời điểm này, song khả năng giảm là hoàn toàn có thể. Chỉ cần các ngân hàng thực sự muốn chia sẻ khó khăn với nền kinh tế bằng cách giảm lãi thì sẽ kích thích được dòng tiền. Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cũng nhận định, vấn đề cần ưu tiên trên hết để hỗ trợ nền kinh tế là phải giảm ngay lãi suất. Giảm lãi suất sẽ giúp giải quyết được các điểm nghẽn khác như hàng tồn kho, nợ xấu và phá băng bất động sản.

Thêm nữa, trong bối cảnh thanh khoản của các ngân hàng ổn định, lãi suất huy động đã xuống thấp (chỉ còn 7,5 – 8% ở kỳ hạn dưới 12 tháng và trên 12 tháng là dưới 12%/năm) giữa lúc nền kinh tế khát vốn và vấn đề lạm phát không còn quá e ngại (chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 3 giảm 0,19% so với tháng 2 và cả quý 1 chỉ tăng 6,91% so với cùng kỳ năm ngoái) thì lãi suất cho vay giảm phải là tất yếu.

Ngân hàng Nhà nước hồi đầu năm cũng luôn khẳng định sẽ điều chỉnh lãi suất theo diễn biến của lạm phát. Tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, gần nhất là phiên họp thường kỳ tháng 2, Thủ tướng cũng đã yêu cầu NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất, tăng dư nợ tín dụng phù hợp.

Theo như tính toán của các ngân hàng và các chuyên gia, mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động bằng tiền đồng khoảng 4% là đủ đảm bảo cho ngân hàng bù đắp được chi phí cho hoạt động của họ và có lợi nhuận. Do vậy, với diễn biến hiện nay, lãi suất cho vay với nền kinh tế có kỳ vọng giảm khoảng 1%/năm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại