Nhiều bất cập về tiền lương tại EVN

lananh |

Kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tiền lương tại EVN đã chỉ ra không ít bất cập, vi phạm

Chiều nay (10/2), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức công bố kết quả kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động về tiền lương, thu nhập tạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo đó, kết quả kiểm tra cho thấy, tiền lương bình quân của cán bộ, nhân viên tại EVN trong năm 2008 đạt 5,794 triệu đồng/người/tháng; năm 2009 đạt 7,064 triệu đồng/người; năm 2010 đạt 7,45 triệu đồng/tháng. Tổng quỹ lương nói trên chiếm khoảng 5,5% giá thành sản xuất kinh doanh

điện.

Còn nếu tính tổng thu nhập bình quân tại EVN (gồm lương, thưởng...) năm 2008 đạt 5,929 triệu đồng/người/tháng; năm 2009 đạt 7,308 triệu đồng và năm 2010 đạt 7,628 triệu đồng/tháng.

Đối với tiền lương của cán bộ quản lý, kết quả kiểm tra cho thấy bình quân năm 2010 tại Công ty mẹ EVN là 37 triệu đồng/người/tháng, ở các công ty con là 21 triệu đồng/tháng. Thu nhập thấp nhất của người lao động tại EVN khoảng dưới 3 triệu đồng/người/tháng.

Đánh giá chung về công tác này, Bộ cho rằng, EVN về cơ bản đã thực hiện chính sách tiền lương, thu nhập theo quy định của nhà nước.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy có không ít những hạn chế, sai sót trong quá trình tổ chức trả lương cho người lao động tại tập đoàn, cụ thể:

Đối với hệ thống định mức lao động do EVN ban hành mặc dù đã được sửa đổi năm 2008 và tổng hao phí lao động quy đổi toàn tập đoàn gắn với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh điện vẫn theo quy định, song giữa các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối và trong từng khâu, định mức lao động chưa được điều chỉnh giảm phù hợp với sự thay đổi về mô hình, cơ cấu tổ chức... trong khi luật quy định, khi định mức lao động không còn phù hợp thì trong vòng 3 tháng phải tiến hành sửa đổi, bổ sung.

Việc xác định tiền lương đối với các khối trong tập đoàn chưa đảm bảo tương quan tiền lương phù hợp, nhất là giữa khối phân phối với khối sản xuất và truyền tải (tiền lương bình quân khối sản xuất và truyền tải cao hơn gấp 2 lần so với khối phân phối) và giữa các đơn vị trong công ty mẹ (cơ quan tập đoàn cao hơn 2 lần so với tiền lương bình quân của công ty mẹ).

Về các thông số xác định đơn giá tiền lương, kết quả kiểm tra cho thấy, hệ số lương cấp bậc công việc và hệ số lương thực tế còn có sự chênh lệch (cao hơn hệ số lương thực tế bình quân 0,72) do sử dụng nhiều lao động thấp hơn so với yêu cầu cấp bậc kỹ thuật.

Đáng chú ý, qua kiểm tra phát hiện chính sách áp dụng chế độ phụ cấp lương đã không được tập đoàn thực hiện nghiêm túc, để xảy ra những sai sót đáng tiếc. Cụ thể là việc áp dụng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm ở một số đơn vị, nhất là ở các nhà máy điện không đồng nhất, có đối tượng đã được hưởng lương cao (nhóm 3) theo đúng chức danh, nghề nghiệp nhưng vẫn được hưởng phụ cấp độc hại, trong khi có đối tượng trực tiếp làm việc cực kỳ độc hại, nguy hiểm lại chỉ được nhận lương của lao động bình thường, trái với quy định của Bộ.

Việc xây dựng cơ chế trả lương chưa được quan tâm, việc phân phối tiền lương ở đa số các đơn vị vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống thang lương, bảng lương của nhà nước, chưa xác định được theo từng vị trí, chức danh công việc để cân đối tương quan với thị trường và gắn với năng suất, hiệu quả công việc.

Trong khi đó, riêng đối với cơ quan tập đoàn, việc trả lương lại có sự chênh lệch lớn, cao gấp 2 lần mặt bằng thu nhập bình quân của Công ty mẹ - Tập đoàn, do tập đoàn tự quyết định và EVN vẫn chưa làm rõ được cơ sở của việc chênh lệch lớn này trong phân phối tiền lương và công khai trong toàn tập đoàn. Từ đó khiến dư luận xã hội bức xúc, nhất là trong điều kiện EVN bị thua lỗ trong năm 2010.

Đối với tiền lương của viên chức quản lý, kết quả kiểm tra cho thấy, tiền lương của đội ngũ này được xác định trên cơ sở hệ số lương, chưa xét đến mặt bằng tương quan tiền lương của các doanh nghiệp trên thị trường.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã kiến nghị EVN cần xem xét, điều chỉnh lại việc xác định đơn giá tiền lương, phân phối quỹ tiền lương theo đơn giá giữa các khối và trong từng khối để đảm bảo tương quan tiền lương phù hợp, nhất là giữa khối phân phối với khối sản xuất và truyền tải.

Bộ cũng yêu cầu tập đoàn sớm xây dựng và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế trả lương gắn với năng suất, chất lượng lao động của từng cán bộ, nhân viên, phù hợp với các yếu tố tương quan tiền lương trên thị trường theo đúng quy định pháp luật.

Cùng với đó, EVN phải thực hiện việc sử dụng quỹ tiền lương đối với cán bộ quản lý theo đúng quy định của Chính phủ đối với từng chức vụ như Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc...

Đặc biệt, Bộ đề nghị EVN sớm chấn chỉnh, tổ chức lại bộ máy, cán bộ làm công tác tiền lương, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách lao động, tiền lương đối với các đơn vị trong toàn tập đoàn nhằm kịp thời xử lý, uốn nắn vi phạm của các đơn vị.

Theo VnEconomy

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại