Nhu cầu sử dụng rau an toàn (RAT) ngày càng gia tăng, đặc biệt trước những thông tin về thực phẩm "bẩn”, rau xanh nhiễm hóa chất. Tuy nhiên, có một nghịch lý đáng buồn lại đang diễn ra, đó là tại chính các địa điểm bán rau an toàn, nhiều khi “vàng thau lẫn lộn”.
Không hẳn là rau sạch
Thành phố Hà Nội mỗi ngày tiêu thụ hàng ngàn tấn rau, nhưng lượng rau sạch cung cấp cho thị trường này chỉ như muối bỏ biển. Hầu hết người tiêu dùng vẫn phải nhắm mắt ăn mà không biết nó có thực sự sạch không.
Những năm gần đây, nhiều tỉnh, thành đã có chương trình sản xuất RAT, song có vẻ như đó là giải pháp “xoa dịu” lòng dân hơn là một dự án chiến lược mang tầm quốc kế dân sinh. Thực tế đã có những dự án trồng rau sạch đã phá sản. Thậm chí, có những doanh nghiệp tư nhân hô hào là cung cấp rau sạch nhưng lại lừa đảo bằng cách trà trộn rau bẩn vào rau sạch rồi tuồn ra thị trường.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (NN&PTNT), hiện nay trên địa bàn thành phố có trên 11.650ha trồng rau các loại, trong đó chỉ có 2.105ha trồng RAT.
Mỗi năm thành phố đã tự sản xuất được khoảng 570.000 tấn rau, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu về rau xanh trên địa bàn, số còn lại vẫn phải nhập từ các địa phương khác như Hưng Yên, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc…
Cả Thành phố mới chỉ có 55 cửa hàng kinh doanh rau sạch, một con số quá nhỏ so với nhu cầu thực tế của thị trường.
Quầy hàng được cho là RAT trong siêu thị.
Theo khảo sát của PV tại cơ sở sản xuất rau sạch Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội): Hiện toàn xã có trên 110ha chuyên canh RAT, sản xuất 50-60 loại rau, củ các loại, hằng năm cung cấp khoảng trên 2.000 tấn rau sạch cho thị trường.
“Tuy nhiên, chỉ 1/3 khối lượng RAT này được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng rau sạch đăng ký mua, còn phần lớn rau không rõ xuất xứ được “phù phép” mác Vân Nội để dễ bán. Thời gian gần đây các doanh nghiệp đã lợi dụng thương hiệu này, tung nhiều loại rau không bảo đảm chất lượng ra thị trường, gây ảnh hưởng tới sức tiêu thụ và niềm tin người tiêu dùng với RAT Vân Nội” - bà Đỗ Thị Liên (Chủ tịch Hiệp hội HTX RAT (Vân Nội, Đông Anh) cho biết.
Thực tế cho thấy, tại siêu thị Big C Thăng Long, Garden, Fivimart, các cửa hàng rau sạch... lượng RAT nhập về nhiều nhưng xuất xứ ghi rất chung chung ở ĐB Bắc bộ. Ngoài ra không có bất cứ thông tin gì giúp người tiêu dùng có thể nhận biết rõ chính xác độ an toàn của sản phẩm, trong khi giá thành cao gấp hai lần ngoài thị trường.
Tại cửa hàng kinh doanh RAT trên đường Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) chủng loại rau rất phong phú. Theo chủ quầy hàng: “Trung bình mỗi ngày, quầy nhập khoảng hơn 30 loại rau, củ, quả an toàn các loại từ HTX Vân Nội (Đông Anh), hầu như ngày nào cũng bán hết rau xanh các loại”.
Tuy nhiên, một người bán hàng nước ngay gần đó cho biết: “Sáng nào, tôi cũng thấy có thanh niên chở đầy xe máy rau củ quả vào đây, có thấy tem mác gì đâu? Chắc là nhập từ chợ đầu mối nào về bán nhận rau Vân Nội. Gia đình tôi không bao giờ mua tại đây, chỉ có người không biết mới mua với giá đắt mà đâu phải RAT…”.
Rất nhiều người tiêu dùng được hỏi về RAT đều có chung câu trả lời: Rất muốn mua được RAT nhưng chỉ mua theo kiểu niềm tin tem mác chứ không phân biệt được RAT với rau không an toàn kể cả là ở ngoài chợ hay trong các siêu thị, trung tâm thương mại… Có lẽ đây cũng là lý do mà kinh doanh RAT thật khó phát triển khi mà đầu tư nhiều, rủi ro cao và chưa có cách nhận biết rõ ràng cho người tiêu dùng.
Siết chặt quản lý
Trước thực trạng trên, Hà Nội đã và đang triển khai dự án “Sản xuất và tiêu thụ RAT toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2015”. Dự kiến, đến năm 2015, Hà Nội sẽ có được 5.000 - 5.500 ha rau an toàn, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu của người dân thành phố. Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng sẽ phân công cán bộ kỹ thuật quản lý, giám sát để bảo đảm chất lượng RAT.
Người tiêu dùng “đỏ mắt” tìm rau sạch.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND về việc lưu chuyển, tiêu thụ rau, củ, quả an toàn vào nội thành Hà Nội. Theo đó, các doanh nghiệp tổ chức bán RAT tại các địa điểm đã lựa chọn.
Thời gian bán hàng tùy theo từng vị trí, địa điểm và cách thức bán hàng. Có thể bán hàng cả ngày nếu địa điểm là các quầy hàng, ki ốt cố định hoặc bán từ đầu giờ sáng và cuối giờ chiều nếu là hình thức bán hàng lưu động.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội vừa ra thông báo số 323/TB-UBND về tiêu thụ rau, củ, quả vào trung tâm thành phố. Theo đó, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã bán rau an toàn để thực hiện dán tem vào sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ nhận biết và kiểm soát được sản phẩm.
Sở NN&PTNT cần tiếp tục thực hiện đề án sản xuất, kinh doanh rau an toàn, chỉ đạo và phối hợp với Công ty cổ phần XNK sản phẩm xanh Việt Nam tăng cường bán rau an toàn qua sàn giao dịch.
UBND TP cũng giao Sở Xây dựng đề xuất 10 điểm tại tầng 1 các toà nhà chung cư, tập thể trên địa bàn thành phố có thể bố trí bán rau. Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý, không để rau không an toàn, không rõ nguồn gốc trà trộn vào các điểm bán rau an toàn của thành phố...
Chủ trương của UBND thành phố Hà Nội cũng chính là tinh thần mà Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Đăng Vang đã nhấn mạnh trong kỳ họp Quốc hội vừa qua: “Theo tính toán thì cứ 500 lần ăn rau có tới 50 lần gặp nguy hại từ rau không đảm bảo. Một số bệnh từ đó phát sinh. Do vậy, cần phải có một báo cáo tổng hợp thật chi tiết về nguồn rau sản xuất để có chính sách giám sát thích hợp”.