Theo bộ phận dịch vụ dữ liệu của Công ty Tư vấn toàn cầu Towers Watson, công ty này vừa tiến hành khảo sát về chế độ lương và phúc lợi xã hội năm 2013 với trên 20 ngân hàng (NH) trong và ngoài nước. Kết quả, tỉ lệ nghỉ việc của ngành NH khoảng 15%. Điều này phần nào thể hiện những khó khăn mà ngành NH đang phải đối diện.
Khó đạt chỉ tiêu được giao
Báo cáo của NH TMCP Á Châu đến ngày 30-9 cho thấy tổng số nhân viên chỉ còn 9.000 người, giảm hơn 700 người so với quý II/2013. Nhân sự của Techcombank cũng giảm đáng kể, chỉ trong quý I/2013 đã có 240 nhân viên nghỉ việc…
Theo giới phân tích, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, NH cắt giảm lương, nhân sự là điều tất yếu. “Em đang lo mình là đối tượng mà đơn vị sẽ cho nghỉ việc trong thời gian tới” - chị Minh, nhân viên một NH có trụ sở tại quận 1, TP HCM, lo lắng. Theo chị Minh, nhiều tháng trước, lãnh đạo NH cho biết nhân viên nào công tác không hiệu quả, có sai phạm về nghiệp vụ, bằng cấp không phù hợp… sẽ lần lượt cho nghỉ việc.
Anh Lê Văn Công, nhân viên hội sở một NH, cũng cho hay đơn vị anh gồm 80 người và sẽ giảm xuống còn 60 người; 20 nhân viên sẽ được phân bổ về các chi nhánh để trực tiếp bán hàng. “Điều mà nhiều nhân viên lo lắng là họ không có khả năng tiếp cận khách hàng để chào bán sản phẩm, dịch vụ NH. Trong khi đó, NH khoán doanh số dư nợ cho vay bình quân từ 2-3 tỉ đồng/tháng/người. Nếu chúng tôi không hoàn thành chỉ tiêu được giao sẽ đối mặt nguy cơ mất việc làm” - anh Công nói.
Trong khi đó, một số nhân viên của NH Đại Á (vừa sáp nhập vào NH Phát triển TP HCM - HDBank) cho biết sau sáp nhập, HDBank sẽ tái cơ cấu nhân sự, trong đó sắp xếp lại các bộ phận và sẽ có một số nhân viên bị thuyên chuyển, nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau. Nhiều nhân viên của các NH khác cũng nơm nớp lo mất việc bởi năm 2013, các NH chỉ đạt 50% chỉ tiêu lợi nhuận nên lãnh đạo có chủ trương sắp xếp lại bộ máy, trong đó chú trọng đến vấn đề nhân sự.
Còn sa thải dài dài
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhiều NH cho biết do tăng trưởng tín dụng thấp, lợi nhuận sụt giảm khiến quỹ lương thiếu hụt buộc các NH phải tinh giảm nhân viên. Nếu năm 2014 và các năm tiếp theo, hoạt động kinh doanh tiếp tục sa sút thì số lượng nhân viên nghỉ việc sẽ tiếp tục tăng.
Theo lãnh đạo NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), năm 2013, Eximbank dự kiến lợi nhuận chỉ đạt 1.600 tỉ đồng (bằng 50% chỉ tiêu đặt ra). Do kinh doanh khó khăn nên Eximbank có chủ trương tinh giảm nhân sự, điều chuyển 300 nhân viên trong số 1.000 nhân viên đang làm việc tại hội sở về các chi nhánh. Tuy nhiên, một số nhân viên không đồng ý và 48 người đã tự nguyện thôi việc.
Tổng giám đốc một NH lớn ở TP HCM dự báo trong vài năm tới, ngành NH sẽ sa thải ít nhất vài ngàn người. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ngoài lợi nhuận giảm, nhiều năm trước các NH tăng trưởng quá nóng, nhất là tín dụng tăng trưởng trên 30%, các NH ồ ạt tuyển nhân viên khiến số lượng lao động của toàn ngành lên đến hàng trăm ngàn người. Nay gặp tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp hạn chế kinh doanh, sản xuất khiến khối lượng công việc, thu nhập của NH giảm mạnh nên buộc phải cắt giảm từ 15%-50% lương và liên tục cắt giảm nhân sự.
Lương sếp vẫn cao
Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các NH cắt giảm lương, nhân sự là điều tất yếu. Thế nhưng, tại một số NH, từ trưởng phòng đến phó tổng giám đốc hiện vẫn nhận được mức lương từ 40 - 100 triệu đồng/tháng là quá cao, còn lương tổng giám đốc và thù lao của HĐQT lên tới hàng trăm triệu đồng/người/tháng.