Giám đốc khối nhân sự tại một công ty cổ phần ở Hà Nội cho rằng có thể con số sinh viên không tìm được vị trí trong ngân hàng còn nhiều hơn cuộc khảo sát trên cung cấp. Nữ giám đốc nhân sự này nhận định: "Vài năm tới, sau một đợt tăng trưởng nóng về số lượng nhân viên ngân hàng thì chắc chắn sẽ có một lượng dư cung nhất định. Tuy nhiên, nhân sự cao cấp thì vẫn vô cùng hiếm hoi. Do đó, việc có phải sa thải một loạt nhân viên kém năng suất để đón về một hai nhân viên cấp trung - cao, chúng tôi cũng đồng tình".
Không riêng gì sinh viên mới ra trường, bản thân những nhân viên đang làm việc tại các nhà băng cũng đối mặt với nguy cơ "dừng cuộc chơi" trước yêu cầu tái cơ cấu ngân hàng và bài toán doanh thu sụt giảm. Ông Lưu Trung Thái - nguyên phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), người đang làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Chứng khoán Quân đội (MBS) - thừa nhận, thách thức lớn nhất đối với mỗi doanh nghiệp hiện nay là doanh thu, các chỉ tiêu kinh doanh giảm, nên phải điều chỉnh kế hoạch về chi phí.
Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - cũng cho rằng, có thể một số ngân hàng sẽ tiến hành song song với quá trình chọn lọc là sắp xếp lại nhân sự phù hợp. Với tư cách là Chủ tịch Viện Nhân lực ngân hàng tài chính, ông Vinh cũng thừa nhận: "Có thể độ 'hot' của ngành ngân hàng sẽ giảm đi. Hơn nữa, ngân hàng ngày hôm nay không phải giống 10 năm trước. Nếu vẫn áp dụng, làm việc hành xử như những gì làm trong quá khứ thì không ổn".