Kết quả kinh doanh không mấy khả quan, song lương bình quân cán bộ, nhân viên nhiều nhà băng không quá xáo trộn sau 6 tháng. Mức lương “khủng” nhất, tính đến thời điểm này, vẫn thuộc về nhân viên của những ngân hàng “ông lớn”.
Tại ngày 30/6/2013, số lượng cán bộ nhân viên của ngân hàng Công thương (VietinBank) là 19.024 người. Báo cáo tài chính ngân hàng này công bố số tiền dành để chi lương và phụ cấp cho cán bộ nhân viên tăng từ hơn 1.619 tỷ đồng lên vượt 2.062 tỷ. Tính lũy kế từ đầu năm, mức bình quân của nhân viên ngân hàng này là hơn 18 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ trả lương cao, VietinBank cũng là một trong những ngân hàng hiếm hoi tuyển nhân sự ồ ạt trong những tháng vừa rồi, trong bối cảnh thị trường nhân sự ngành tài chính tương đối ảm đạm.
Một ngân hàng khác cũng có lương cán bộ nhân viên cao theo báo cáo tài chính là Ngân hàng Quân đội. Thu nhập bình quân của 5.196 cán bộ nhân viên ngân hàng này đạt hơn 21,3 triệu đồng/người/tháng - tăng gần gấp đôi so với năm 2012.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, chi phí cho người lao động nói chung của ngân hàng này cũng tăng từ hơn 557 tỷ đồng lên hơn 664 tỷ. Như vậy, sau 2 năm liên tiếp dẫn đầu thị trường, tạm thời 6 tháng đầu năm nay, căn cứ báo cáo tài chính, thu nhập nhân viên VietinBank chính thức bị "soán ngôi".
Vietcombank tuyển thêm hơn 200 nhân viên trong 6 tháng, tăng quỹ lương so với cùng kỳ năm 2012, song thu nhập bình quân 6 tháng đầu năm nhân viên nhà băng này lại giảm mạnh. Theo số liệu từ báo cáo tài chính, 6 tháng, mỗi tháng, một nhân sự ngân hàng này nhận lương, phụ cấp chỉ hơn 15 triệu đồng – tương đương với mức bình quân tại một ngân hàng quy mô nhỏ hơn. Những năm trước, Vietcombank cũng nằm trong top những nhà băng có lương bình quân nhân viên khá cao.
Với 9.356 nhân viên tính đến hết 30/6, 6 tháng đầu năm, thu nhập nhân viên ACB giảm mạnh so với các năm trước. Bình quân 1 tháng, mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng này nhận về hơn 10,6 triệu đồng/người, trong khi cùng thời điểm năm ngoái là hơn 14 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin là nhân viên ngân hàng này, mức lương bình quân nói trên chỉ thể hiện trên giấy tờ. Còn thực tế, mỗi bộ phận sẽ có “quota” lương, phụ cấp riêng. Mức bình quân cho vị trí giao dịch viên khoảng 6 triệu đồng/tháng, quan hệ khách hàng nhỉnh hơn, song cũng không đến mức trung bình trên 10 triệu đồng/tháng.
Eximbank không chỉ giảm lương nhân viên còn hơn 10,6 triệu đồng/tháng trong quý II năm nay mà còn cắt giảm nhân sự. Thời điểm này năm 2012, dù kinh doanh khó khăn, song bình quân, lương nhân viên ngân hàng này vẫn đạt hơn 12 triệu đồng/tháng.
SHB từ đầu năm cũng giảm bớt gần 200 nhân sự. Tính đến 30/6, ngân hàng này còn 4.279 nhân viên. Với mức chi trả cho cán bộ nhân viên tăng thêm gần 50 tỷ đồng, thu nhập của nhân viên ngân hàng này quý II là hơn 14 triệu đồng/tháng - tăng so với cùng kỳ năm 2012. Số liệu nói trên được tính toán dựa trên kỳ kế toán ngân hàng này áp dụng từ ngày 1/4 đến ngày 30/6. Đáng chú ý, lợi nhuận của SHB thấp hơn nhiều so với năm trước, nhưng chế độ lương thưởng với nhân sự vẫn được điều chỉnh.
Thực tế, lương và phụ cấp bình quân của cán bộ nhân viên trên báo cáo tài chính các ngân hàng cung cấp không phản ánh hết tình hình thực tế. Vì ở mỗi ngân hàng, từng bộ phận sẽ có lương khác nhau và mức bình quân nói trên đã bao gồm của các quản lý, nên thường không đại diện cho tất cả những nhân sự đang làm việc tại đó.
Ở nhiều bộ phận, mức lương giao dịch viên chỉ khoảng 3-4 triệu đồng. Thậm chí, đã có nguồn tin từ một ngân hàng tinh giản hàng loạt nhân sự năm 2012 cho biết, lương mới của người làm ở bộ phận quan hệ khách hàng chưa đầy 2,5 triệu đồng/tháng.
Anh Q. - nhân viên một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội, cho biết thực tế, những người làm trong ngành ngân hàng đều biết rõ mức lương bình quân nói trên là như thế nào. Theo anh, nếu cứ nhìn vào lương trung bình mà quy kết đó là thu nhập thực nhận của nhân viên, thì đúng là hài hước. “Có những đơn vị, lương của sếp còn bằng cả phòng kinh doanh cộng lại. Song thể hiện trên báo cáo tài chính thì mức trung bình cứ như thể là ai cũng được như vậy”, anh Q. chia sẻ. Thậm chí, theo anh, ở một số ngân hàng quy mô nhỏ và làm ăn không hiệu quả, những người mới vào hưởng lương thấp hơn cả… ô sin là chuyện bình thường.
Trước đó, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng bày tỏ quan điểm về thu nhập của nhân viên ngân hàng Việt Nam. Theo ông Hiếu, so với những nước trong khu vực, ở Việt Nam, người làm ngân hàng có thu nhập tương đối thấp, thậm chí tăng chậm hơn so với một số ngành kinh tế khác.