Cho lợn nghe nhạc để chóng lớn, dễ đậu thai
Vừa qua, nhiều tờ báo đăng tải thông tin về anh Nguyễn Vũ Phương (49 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long) cho đàn lợn nghe nhạc để tăng chất lượng thịt, dễ đậu thai đã khiến cộng đồng mạng không khỏi thích thú.
Anh Phương cho biết, trong số những đĩa nhạc anh hay mở có: Đàm Vĩnh Hưng, Lý Hải, Cẩm Ly, Sơn Tùng M-TP...
Và cứ mở đài là đàn lợn im phăng phắc nằm nghe quên cả giờ ăn, còn tắt đài thì chúng lại chộn rộn, kêu inh ỏi.
Về lý do áp dụng bí quyết nuôi lợn độc đáo này, anh Phương cho hay, cuối năm 2009, một lần tình cờ xem tivi, anh thấy ở nước ngoài, họ cho bò nghe nhạc tăng sản lượng sữa.
Và anh chợt lóe lên ý nghĩ sao mình không cho heo nghe nhạc để tăng tỷ lệ đậu thai.
Việc cho lợn nghe nhạc cũng đã được nhiều nông dân áp dụng.
Mới đây, gia đình anh Nguyễn Văn Trường (xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành) đã bỏ trên 250 triệu đồng xây dựng mới chuồng trại, áp dụng chăn nuôi lợn theo mô hình đệm lót sinh học, thêm vào đó là cho lợn nghe nhạc.
Qua thời gian theo dõi, anh Trường thấy lợn được chăn nuôi theo phương pháp mới tăng trọng nhanh hơn so với chăn nuôi theo phương pháp cũ, lợn ít bị bệnh dịch, không phải dùng thuốc nhiều.
Trước đây, ở xã Thiên Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai có một trí thức rành tiếng Anh, tiếng Pháp, đã tự “du học” để nuôi lợn tốt hơn.
Đặc biệt, lợn của anh cũng thưởng thức được âm nhạc! Anh Nguyễn Trí Công cho hay trên báo Người lao động:
“Cũng chẳng biết nhưng tác dụng rõ rệt, chúng ăn uống đều, lớn nhanh và tốt nhất là đằm tính hẳn.
Khi chúng đằm tính thì các hiện tượng như cắn nhau, nhảy loạn xạ, nổi điên kiểu... heo giảm xuống và như thế tránh được các hiện tượng gãy chân, dập xương thậm chí chết ở các con heo nhỏ”.
Nuôi hàng ngàn chim bồ câu bằng âm nhạc
Theo báo Tuổi trẻ, ở thôn Hiệp Thanh, xã Cam Hải Đông, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, có một cơ sở nuôi chim bồ câu với số lượng hàng ngàn con, bằng phương pháp mở nhạc cho chim nghe. Đó là cơ sở của anh Thiều Quang Toàn.
Trên 3000 con chim bồ câu được nuôi ở đây từ hơn 1 năm nay và mỗi chuồng trại đều được lắp máy phát nhạc cho chim nghe.
Lúc ban đầu mới nuôi, vì nuôi nhốt đông, chim hay bay nhảy hoảng loạn khiến chim chậm lớn.
Sau khi tìm kiếm từ các tài liệu chăn nuôi trên mạng, anh Toàn đã bắt đầu lắp máy nghe nhạc trên mỗi chuồng trại.
Việc nghe nhạc đã giúp chim đỡ bay nhảy, không còn hoảng loạn, sợ hãi khi có người lạ, từ đó chim tăng trưởng nhanh.
9X bỏ du học, nuôi gà bằng nhạc quý tộc
Người ta gọi Nguyễn Duy Thiên Ân là Cử nhân... gà. Câu chuyện đến với những con gà của Ân bắt đầu từ khóa luận tốt nghiệp của khoa Công nghệ sinh học, ĐH Văn Lang.
Ân chọn đề tài “Tăng hàm lượng Omega-3 trong trứng gà”. Đề tài được chấm 9 điểm, Ân được một học bổng toàn phần đi du học Pháp.
Nhưng Ân chọn ở lại để ứng dụng chính đề tài của mình vào thực tế thay vì chuyển giao công nghệ.
Theo Infone, được sự góp vốn của 30 doanh nghiệp, với số tiền ban đầu 2 tỷ, Ân thuê đất, mua gà, cất trang trại gà 5.000 con.
Thời gian đầu, Ân cho gà nghe nhiều thể loại nhạc như rock, pop, balad… Kết quả, gà nhảy loạn xạ, kêu réo và năng xuất trứng giảm hẳn.
Nhưng sau một thời gian, Ân nhận thấy loài gà rất “kết” nhạc giao hưởng. Những bản nhạc giao hưởng của Mozart, Beethoven… tưởng dành cho giới “quý tộc” được Ân cho gà “thưởng thức”.
Nhờ thế, sản lượng và chất lượng Omega-3 trong trứng gà đều hơn và tăng lên 5-6% so với trước khi cho nghe nhạc.
Nuôi vịt trời bằng... nhạc giao hưởng
Thông tin trên báo Bà Rịa - Vũng Tàu, anh Nhâm Lâm Ngọc Nhâm (ngụ tại ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) hiện là chủ trang trại vịt trời hàng chục ngàn con.
Đến trang trại vịt của anh Nhâm tuyệt nhiên không nghe thấy một tiếng vịt kêu mà thay vào đó là âm thanh du dương của những bản nhạc giao hưởng phát ra từ chiếc loa thùng nhỏ được đặt ngay sát chuồng.
Anh Nhâm cho biết: “Giống như con người, vịt trời cũng cần được thư giãn. Chỉ cần được nghe nhạc giao hưởng hay tiếng sáo trúc là chúng ngoan, không kêu nữa”.
Hàng ngày, cứ 6 giờ tối, sau khi nghe hiệu lệnh phát ra từ chiếc trống đặt cách hồ khoảng 100m, hàng ngàn con vịt trời lại rục rịch kéo nhau về chuồng.
Anh Nhâm gọi vịt về chuồng bằng kèn tây. Vịt trời bay rất giỏi nhưng ngay từ nhỏ anh Nhâm đã huấn luyện và thuần dưỡng nên chưa có con nào bỏ đi.
Bò Kobe tiền tỷ được nghe nhạc nơi cao nguyên Việt
Trên cao nguyên Lâm Đồng, đàn bò Kobe (loài bò nổi tiếng thế giới) lần đầu tiên được nuôi dưỡng quy mô tại Việt Nam.
Đến giờ ăn, trang trại vang lên những bản nhạc giao hưởng êm dịu để bò thư giãn, việc ăn uống không trở nên nhàm chán.
Mặt khác, mở nhạc cho bò nghe khi ăn nhằm tạo phản xạ có điều kiện cho chúng.
Bởi, thông thường khi bò được 28 tháng tuổi và đạt đến trọng lượng khoảng 700kg sẽ trở nên biếng ăn mà nếu ăn ít đi thì lớp mỡ sẽ tiêu hao, nguy cơ không tạo vân mỡ trong thịt bò.
Do đó, phải tạo phản xạ cho bò để dù có lười biếng nhưng nghe nhạc là chúng tự động đến máng ăn.
Xây nhà tiền tỷ, mở nhạc nuôi chim yến
Đầu năm 2014, ở huyện Thoại Sơn, An Giang và một vài nơi khác mọc lên những ngôi nhà mới cao tầng, không để ở mà xây “lâu đài” cho chim yến trú ngụ với mục đích lấy tổ bán làm giàu.
Một số hộ nuôi chim cho biết: Nuôi chim yến chỉ tốn đất xây dựng nhà, những khoản khác không đáng kể.
Nhà nuôi chim yến phải mát (nhiệt độ 27-31oC), độ ẩm 80-95%, ánh sáng râm, âm u và lúc nào cũng có máy “hát” cho chúng nghe”.
Phải cho loài chim này nghe ít nhất 3 loại nhạc. Đó là loại để trên nóc nhà phát “tín hiệu”, thứ hai là loại “gọi mời” và thứ 3 là “hát ru”.