Thuê các nữ vệ sĩ đang trở thành "mốt" của giới thượng lưu Trung Quốc. Có cầu ắt có cung. Nhiều cô gái Trung Quốc hấp dẫn bởi công việc có mức lương cao, và cơ hội gặp gỡ những nhân vật quan trọng, đã gia nhập đội ngũ vệ sĩ nữ.
Yang Donglan, một cô gái 22 tuổi trước đây từng là nhân viên bán mỹ phẩm nhưng một năm trở lại đây cô đã chuyển từ việc gắn bó với cây cọ trang điểm sang việc cầm cây côn, chấp nhận trải qua một chương trình huấn luyện hết sức khắc nghiệt để trở thành vệ sĩ. Yang cho biết với công việc này cô có cơ hội được đi đó đây cùng với những thân chủ của mình. Công việc này thật sự cho cô cơ hội được mở rộng tầm mắt.
Yang hoàn thành khóa học của mình tại Học viện An ninh quốc tế Tianjiao, một trong những trường huấn luyện được thành lập năm 2008 tại Bắc Kinh nhằm huấn luyện các vệ sĩ với khả năng phục vụ cho số lượng các đại gia đang ngày một gia tăng ở Trung Quốc.
Tại đây các học viên sẽ phải trải qua những bài tập hà khắc như bò qua những vũng bùn trong thời tiết lạnh cóng của mùa đông, học cách ứng phó với vũ khí phát hỏa và phải tỉnh táo 24/24 giờ. Yang đã ví đây như một "cuộc huấn luyện của quỷ".
Cô cho biết thêm: "Tôi đã phải thực hiện rất nhiều các bài tập trước khi có thể nhận nhiệm vụ đầu tiên. Tôi gặp vấn đề về hô hấp mỗi khi chạy nhanh nhưng dần dần tôi đã khắc phục được".
Theo tờ Hurun Report, tạp chí được cho là Forbes của Trung Quốc, năm 2013, nước này có 317 tỉ phú đôla, xếp thứ hai về số lượng người giàu chỉ sau Mỹ. Số lượng người giàu có và quyền lực ngày càng tăng khiến cho rất nhiều dịch vụ mới được phát sinh để phục vụ những nhu cầu cá nhân của nhóm người này.
Tiêu biểu nhất trong số đó phải kể đến việc thuê các nữ vệ sĩ để bảo vệ cho cá nhân và thân nhân của những người này, biến đây trở thành "mốt" giúp thể hiện quyền lực, tầm quan trọng và sự giàu có của giới thượng lưu Trung Quốc.
Chen Yongqing, người sáng lập học viện, trước đây cũng từng là vệ sĩ cho biết ông đã nhận ra được tiềm năng và quyết định nhảy vào lĩnh vực mà thị trường của nó đang bùng nổ. Ông Chen nói: "Chúng tôi không chỉ cung cấp các bài tập về thể lực cho các vệ sĩ mà họ còn phải trải qua cả những bài học về thế giới thượng lưu như cách nếm rượu… qua đó họ có thể giao tiếp hiệu quả với ông chủ của mình. Họ không chỉ phục vụ như một vệ sĩ mà nhiều khi còn phải làm việc giống như một trợ lý của thân chủ".
Theo ông Chen, số lượng học viên nữ đang ngày càng tăng, cho thấy vệ sĩ nữ đang có lợi thế rất lớn so với các vệ sĩ nam, đặc biệt là khi số lượng các triệu phú và tỉ phú nữ cũng đang gia tăng. Khi thân chủ là nữ hoặc vợ/ con gái của các tỉ phú nam cần được bảo vệ, họ luôn thích các vệ sĩ nữ bảo vệ mình hơn.
Yang thổ lộ: "Những người thuê vệ sĩ thích các vệ sĩ nữ hơn vì họ không nổi bật. Các vệ sĩ nữ dễ trà trộn và ẩn đi hơn. Phần lớn mọi người đều không nhận ra họ là những vệ sĩ. Một số nam giới có vóc dáng cao lớn và người ta dễ nhận thấy anh ta là vệ sĩ và sẽ đề phòng. Đối với vệ sĩ nữ thì khác và hơn thế, nữ giới luôn có khả năng chăm sóc tốt hơn".
Một khóa huấn luyện vệ sĩ kéo dài trong vòng 3 tuần thường tiêu tốn khoảng 2.100 USD và không hề hấp dẫn đối với những kẻ nhát gan nhưng vẫn thu hút các cô gái đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Giáo viên tại Trường đào tạo vệ sĩ Tianjiao từng là những binh sĩ quả cảm trong quân đội Trung Quốc nên họ luôn áp dụng kỷ luật thép với các học viên.
Ngoài rèn luyện thể lực, các học viên tại Học viện đào tạo vệ sĩ Tianjiao còn phải học cách sử dụng vũ khí để sẵn sàng đối phó mọi tình huống trong quá trình làm việc. Ngoài những đợt rèn luyện mang tính cá nhân, các học viên phải tập phối hợp tác chiến theo nhóm, giúp tăng khả năng bảo vệ thân chủ.
Hai học viên mới tốt nghiệp là Xu Si và Zhang Min từng khao khát gia nhập quân đội khi còn nhỏ tuổi nhưng lại từng làm công việc bán hàng và dạy học trước khi chuyển sang làm vệ sĩ. Xu cho biết, khóa huấn luyện thực sự rất khắc nghiệt. Trong những ngày đầu cô đã phải bò trong bùn và nhảy xuống nước lạnh. "Tôi đã run lẩy bẩy khi thấy một cậu bạn phải bỏ cuộc" cô nói.
Tuy nhiên khi thấy các cô gái vẫn tiếp tục được tuyển thêm vào học viện cô thấy có động lực hơn. Một số người ứng tuyển vào khóa huấn luyện chỉ để lấy trải nghiệm. Dong, một nhân viên trong giới cổ cồn trắng cho biết, cô vẫn chưa quyết định việc có chuyển sang làm vệ sĩ hay không nhưng cô tin rằng đây sẽ là những trải nghiệm đáng giá, khóa học cho phép cô trở nên kiên định và mạnh mẽ hơn.
Ông Chen cho hay, rất nhiều yếu tố dẫn đến sự gia tăng số lượng các vệ sĩ nữ. Đó có thể là do tỉ lệ thất nghiệp cao trong khi công việc này lại được trả lương cao, và có cơ hội gặp gỡ những nhân vật quan trọng cũng như được trải nghiệm những điều tuyệt vời nhất mà với công việc bình thường họ sẽ không bao giờ có được.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo ông Chen đó là công việc này giúp phụ nữ Trung Quốc tự tin hơn rất nhiều trong cuộc sống thường ngày của mình. Phụ nữ Trung Quốc ngày nay có thể tự tin hơn khi chọn nghề nghiệp cho mình, nhất là khi công việc ấy vốn được coi là thế mạnh và thường áp đảo bởi số lượng nam giới.
Trái với suy nghĩ của đa số, so với nam giới, phụ nữ theo nghề vệ sĩ rất ít khi từ bỏ công việc này. Hầu hết các cô gái đều gắn bó với công việc cho đến lúc hoàn thành nhiệm vụ. Tương tự, Yang đã làm công việc vệ sĩ này được một năm và cho biết cô không có kế hoạch sẽ chuyển sang làm ở lĩnh vực khác kể cả mức độ nguy hiểm có thấp hơn công việc hiện tại.