Cách đây hơn 1 năm, vợ chồng anh Nghĩa phải bấm bụng thuê một căn hộ 3 tầng tại Mỹ Đình (Hà Nội) với giá gần 9 triệu đồng/tháng. Anh Nghĩa cho hay, hết năm nay sẽ bàn lại với chủ nhà yêu cầu giảm giá, vì mức này khá cao so với căn hộ chất lượng tương đương cùng khu vực.
“Lẽ ra, căn nhà này cho thuê chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng, nhưng thời điểm cuối năm ngoái, nhà đất vẫn chưa xuống thấp, hơn nữa cần gấp nên vợ chồng tôi nhắm mắt đưa chân. Giờ chỉ mong chủ nhà hạ cho khoảng 1 triệu đồng/tháng là mừng”, anh Nghĩa chia sẻ.
Có một căn chung cư rộng gần 80m2 tại đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân), chị Thu - nhân viên một công ty truyền thông tại quận Đống Đa cho hay, đang rao cho thuê với giá 6 triệu đồng/tháng. Mức này thấp hơn cách đây 3 - 4 tháng khoảng 1-1,5 triệu đồng.
Chị Thu cho biết, để giá này, phần muốn cho thuê nhanh, nhưng cũng một phần bởi khu vực này khá nhiều căn tập thể cũ đang rao cho thuê. Một số căn hộ tập thể cũ với diện tích phổ biến trên 50m2 tại đây được rao giá khoảng 3,5 - 4 triệu đồng, đã rẻ hơn so với cách đây 2 - 3 tháng.
Trong khi thị trường nhà cho thuê đang giảm giá mạnh, phân khúc phòng trọ dành cho sinh viên, người thu nhập thấp lại liên tục tăng giá. Tại khu vực Từ Liêm, Nhổn, Cầu Giấy… nơi tập trung nhiều trường đại học, giá phòng trọ cho thuê vẫn cao so với mặt bằng chung.
Mức bình quân cho những căn rộng 10m2 khoảng 900.000 đồng trong khi dạng chung cư mini rộng khoảng 20m2, giá phổ biến 1,7 triệu đồng đến hơn 2 triệu đồng. So với căn hộ cho thuê dạng gia đình ở, giá phòng trọ sinh viên đắt hơn trong khi chất lượng thấp hơn nhiều, nhu cầu cũng không rốt ráo như những đợt sinh viên nhập học.
Nhà cho thuê hiện nay thừa nguồn cung, giá giảm mạnh so với cách đây 3 - 4 tháng
Đã từng thuê trọ tại cả 2 phân khúc là nhà trọ sinh viên và chung cư cho gia đình, anh Tính, nhân viên ngân hàng làm việc tại phố Hoàng Quốc Việt cho biết, mỗi thứ có lợi thế riêng. Trước kia, anh Tính thuê một căn chung cư rộng gần 60m2 ở quận Thanh Xuân với giá gần 5 triệu đồng/tháng, điện, nước theo khung nhà nước.
Nhưng khoảng 2 tháng nay, anh này chuyển về ở phòng trọ sinh viên trên đường Lê Đức Thọ, đóng tiền nhà 3 tháng một lần, giá phòng là 2 triệu đồng/tháng, điện 3.000 đồng/kWh, nước 70.000 đồng/tháng cố định. Tổng cộng tiền nhà, điện, nước, mạng khi ở chung cư của anh này trước kia khoảng 5,7 triệu đồng/tháng, còn chuyển về nhà trọ khoảng 3,1 triệu.
Chênh lệch hai môi trường hơn 2,5 triệu đồng/tháng. “Tính ra, nếu giá nhà cho thuê cứ cao như vậy, mỗi năm, ở chung cư sẽ mất thêm trên 30 triệu đồng. Số này gửi ngân hàng cũng được kha khá tiền lãi, mà cả ngày đi làm, chỉ tối mới về ngủ ở nhà, nên ở một mình một căn cũng hơi phí”, anh Tính giải thích nguyên nhân chuyển từ nhà chung cư sang ở trọ.
Về nguyên nhân giá giảm đối với phân khúc nhà cho hộ gia đình thuê, anh Nguyễn Văn Kiên, nhân viên môi giới một sàn bất động sản tại đường Mễ Trì cho biết, hiện nay, căn hộ tồn kho nhiều, giá lại thấp hơn so với các năm trước nên những người có nhu cầu nhà ở thực sự đều tích tiền để mua. Thậm chí, có nhiều trường hợp chấp nhận sống khổ hơn để dồn tiền mua căn nhà cho riêng mình.
Kể về trường hợp một cặp vợ chồng mới cưới đang thuê căn hộ giá hơn 4 triệu đồng/tháng, vì mua nhà nên chấp nhận chuyển về khu vực xa hơn, phòng chật hơn để tiết kiệm hơn 2 triệu tiền nhà, anh Kiên cho rằng, đây là nguyên nhân phòng trọ sinh viên, dù giá chững nhưng vẫn hút khách.