Xách tay muôn năm
Trong cuộc thăm dò của hãng Nielsen, có tới 56% người Việt Nam đồng ý khi được hỏi về sở thích dùng hàng hiệu. Con số này đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Xét trên khía cạnh nào đó, sở thích hàng hiệu nó biểu hiện của ý thức vươn lên, muốn thể hiện bản thân, địa vị của con người.
Thế nhưng, với mức giá khá cao so với thu nhập trung bình của người Việt Nam, thì nhiều người vẫn có thể “ung dung” xài hàng hiệu bằng cách truy tìm những nguồn hàng giá rẻ. Đáp ứng nhu cầu của khách hàng, những kênh bán hàng online ra sức “tung chiêu” quảng cáo những sản phẩm đuợc xách tay từ nước ngoài về với giá khá mềm.
Chắc cũng hiếm ở đâu như Việt Nam, khi người dân sẵn sàng mua bán bằng “niềm tin”, sẵn sàng mua hàng trốn thuế, trốn sự kiểm soát, kiểm định chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ quan chức năng.
Chị Phương Anh (nhân viên văn phòng ở TP.HCM) vốn chuộng hàng ngoại; thế nhưng chị vẫn thường chọn nguồn hàng xách tay chứ không mua hàng nhập khẩu chính thống ở các cửa hàng, siêu thị vì giá “mềm” hơn hẳn. Thế nhưng, khi được hỏi về xuất xứ, chất lượng thì chị tặc lưỡi: “Các bà mẹ có con mua ở đây nhiều lắm, ai cũng khen hàng tốt. Mà chị bán hàng có người nhà ở bên Úc mà, khi nào đi mua hàng cũng đăng hình lên facebook đầy đủ”.
Đáng buồn thay, không hiếm những hàng hiệu giá bèo có nguồn gốc từ ăn cắp. Mỹ phẩm của các thương hiệu nổi tiếng được bán với giá thậm chí còn thấp hơn ngay tại nước sản xuất được các tiếp viên hàng không xách về thu hút không ít chị em phụ nữ.
Khi sự việc một nữ tiếp viên của Vietnam Airlines bị tình nghi mua lại mỹ phẩm từ một nhóm trộm cắp tại Nhật và các đường dây người Việt trộm cắp ở Nhật liên tiếp bị phanh phui khiến không ít người phải suy ngẫm về thói quen mua hàng “mập mờ” của mình.
Sự thật về hàng Việt Nam xuất khẩu
Hàng Việt Nam xuất khẩu với những mẫu mã, chất liệu đẹp, đầy đủ tag, mạc của các thương hiệu thời trang nổi tiếng của thế giới, nhưng giá cả lại rẻ bèo đang thu hút không ít chị em dân văn phòng. Khi được hỏi nguồn hàng thì người bán hoặc lờ đi không nói; hoặc mập mờ trả lời: “hàng xuất dư, hàng tuồn, hàng hải quan,...”
Nhiều người nghĩ rằng nước mình chuyên gia công cho các thương hiệu thời trang quần áo, giày dép, túi xách,...nên việc “tuồn” hàng ra không có gì quá khó khăn. Thế nhưng, nếu ai đã từng làm xuất nhập khẩu ắt hẳn hiểu rất rõ hàng gia công cho nước ngoài được cung cấp toàn bộ nguyên liệu, phụ kiện, tag, mạc và kiểm soát về định mức và tỷ lệ hao hụt rất gắt gao, thế nên chuyện hàng hóa được “tuồn” ra thị trường để bán đại trà không phải chuyện dễ dàng.
Anh Tuấn, nhân viên lâu năm trong ngành xuất nhập khẩu chia sẻ: “Hàng Việt Nam xuất khẩu với đầy đủ tag, mạc được bán tràn lan trên thị trường đa phần là giả. Thử nghĩ xem, một thương hiệu thời trang có tiếng trên thế giới nhờ một doanh nghiệp gia công thì họ có dễ dàng để cho hàng hóa của mình bị lấy cắp, sản xuất dư vô tội vạ để bán ra ngoài thị trường với giá rẻ bèo hay không?
Thậm chí với hàng bị lỗi, doanh nghiệp còn phải tiêu hủy bằng cách đốt hoặc cán bỏ chứ không được bán kiếm lời. Nếu hàng xuất khẩu xịn thì chỉ có nước là nhân viên ăn cắp khi đang sản xuất (gọi là trên chuyền)”.
Vậy thì không khó để suy luận nguồn hàng xuất khẩu được bán tràn lan hiện nay đa phần do các nhà máy trong nước tự nhập nguyên liệu và sản xuất nhái theo mẫu mã của hãng, chế theo những mẫu ăn khách đã xuất đi hoặc chính từ Trung Quốc trà trộn vào.
Ấy vậy mà vẫn có rất nhiều người Việt vì những lợi ích trước mắt, vì sự thiếu hiểu biết vẫn đang âm thầm giúp đỡ những nguồn hàng không minh bạch.