Người Việt chi 3 tỷ USD nhập ô tô

Hải Minh |

Tổng cục thống kê vừa công bố nhập khẩu ô tô và linh kiện ô tô trong năm 2015 ước đạt 6 tỷ USD trong đó ô tô nguyên chiếc đạt 3 tỷ USD. Số liệu cho thấy trong năm qua người Việt đã mạnh tay chi tiền sắm ô tô ngoại.

Từ con số khủng…

3 tỷ USD sắm ô tô nhập khẩu là con số kỷ lục, dù đây mới chỉ là ước tính, nhưng khả năng lớn sẽ đạt được khi chỉ còn vài ngày nữa kết thúc năm 2015 và các doanh nghiệp đang chạy đua để hoàn tất các đơn hàng với đối tác nước ngoài đồng thời đẩy nhanh quá trình vận chuyển xe về phân phối trong nước.

Tổng cục Thống kê ước tính, trong tháng 12 /2015, cả nước nhập khẩu 14.000 ô tô nguyên chiếc các loại với tổng trị giá khoảng 382 triệu USD, nâng tổng lượng xe nhập khẩu cả năm lên 125.000 xe với tổng số tiền nhập lên đến 2,969 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2014, lượng ô tô nhập khẩu tăng 76,6% và tăng 87,7% về giá trị.

Càng về các tháng cuối năm lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam càng tăng cao cho thấy sức mua của người tiêu dùng trong những tháng cuối năm tăng mạnh.

Đáng chú ý, cả ba tháng 10,11 và 12 năm 2015 lượng ô tô nhập khẩu đều đạt 14.000 chiếc nhưng có thay đổi về giá trị.

Đặc biệt, so với 2 năm trước thì lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam tăng đột biến.

Cụ thể cả năm 2013, Việt Nam chỉ chi 709 triệu USD tiền nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong khi năm 2015 số tiền người Việt bỏ ra sắm ô tô ngoại đội lên gấp hơn 4 lần.

Năm 2015, kinh tế có tín hiệu tăng trưởng tốt, người dân mạnh tay chi tiêu mua sắm hơn.

Theo Tổng cục Thống kê GDP bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 45,7 triệu đồng/người, tương đương 2.109 USD, tăng 57 USD so với GDP bình quân năm 2014.

Năm qua cũng ghi dấu sự tăng trưởng kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô. Ngược lại, tỷ lệ nội địa hóa ô tô trong nước vẫn thấp.

Các hãng chủ yếu phải nhập khẩu linh kiện phụ tùng lắp ráp ô tô từ nước ngoài. Giấc mơ người Việt đi ô tô Việt vẫn còn xa vời khi tỷ lệ ô tô nhập khẩu ngày càng tăng mạnh.

Các thị trường Việt Nam nhập khẩu ô tô lớn là Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong đó thị trường nhập khẩu ô tô nguyên chiếc chủ yếu cho Việt Nam là Ấn Độ, tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trung Quốc là thị trường Việt Nam nhập chủ yếu xe tải và Thái Lan là thị trường Việt Nam nhập xe bán tải.

Nhìn về câu chuyện ô tô made in Việt Nam

Nhìn lại câu chuyện sản xuất ô tô trong nước, thấy vẫn là câu chuyện dài.

Ông Đào Phan Long, Phó chủ tịch, Tổng thư ký hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng Việt Nam thất bại do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không đạt tỷ lệ nội địa hóa lớn, và nước ta ‘không có ô tô gì ra hồn”.

Nội địa hóa ô tô sản xuất trong nước còn gặp nhiều khó khăn.

Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu tổng quát là xây dựng ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.

Nhưng “việc hỗ trợ sản xuất trong nước để cạnh tranh với Thái Lan, Indonesia và duy trì sản xuất sau năm 2018... đến giờ vẫn chưa có động thái gì và không biết nên làm thế nào”, đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương)

Thủ tướng đánh giá, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thời gian vừa qua chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra.

Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô còn chủ yếu hoạt động theo hình thức lắp ráp đơn giản, chưa chế tạo được các cụm chi tiết quan trọng như động cơ, hộp số, cụm truyền động.

Cơ chế, chính sách cho phát triển công nghiệp ô tô thời gian qua chưa phù hợp, chưa tạo động lực cho phát triển ngành nên người Việt muốn có xe tốt đi vẫn chỉ có cách kiếm tiền nhập xe ngoại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại