Bỏ qua góc độ tiềm năng phát triển ngành, thương vụ bán mảng bánh kẹo của Tập đoàn Kido được xem là tin vui với cổ đông.
Bánh kẹo Kinh Đô đứng đầu thị trường về thị phần và thương hiệu nên bán được giá tốt.
Ngoài ra, sau đó cổ đông còn nhận được nhiều lợi tức, như tổng cổ tức lên đến 220% và cơ hội bán lại cổ phiếu ở mức giá cao khi Tập đoàn mua cổ phiếu quỹ số lượng lớn.
Nhưng nếu xét kĩ, thiệt hại không phải là không có. Đó là vấn đề thuế.
Tháng 11/2014, Kido công bố bán 80% mảng bánh kẹo cho một tập đoàn cùng ngành của Mỹ là Mondelez, với giá trị hơn 7.800 tỉ đồng.
Số còn lại sẽ bán vào cuối năm 2016, trị giá gần 2.000 tỉ đồng nữa. Hiện Kido đã chuyển nhượng xong khoản đầu vào cuối tháng 8/2015.
Kido sẽ phải đóng thuế như thế nào? Mảng bánh kẹo được cơ cấu từ Kinh Đô Bình Dương và phần bánh kẹo của Kinh Đô miền Bắc (trừ sữa, kem và chuỗi cửa hàng bán lẻ), với hình thức công ty cổ phần chưa đại chúng.
Vì vậy, thuế sẽ được tính ở hình thức chuyển nhượng vốn, thuế theo đó sẽ là 20% lợi nhuận khoản đầu tư vốn.
Chưa biết khoản đầu tư này mang về cho Kido bao nhiêu lợi nhuận nên chưa thể đưa ra con số chính xác. Nhưng hãy tạm tính ở mức lãi 30%, con số trung bình Kido vẫn duy trì được trong vài năm gần đây.
Theo đó, ở khoản đầu tiên, thuế tạm tính sẽ khoảng 470 tỉ đồng. Khoản sau sẽ chịu thuế khoảng 117 tỉ đồng.
Tổng thuế còn nhiều hơn cả khoản lợi nhuận ròng cao nhất trong lịch sử từ khi niêm yết của Tập đoàn này, 536 tỉ đồng trong năm 2014.
Sự "thiệt thòi" của Kinh Đô nằm ở đây. Nếu mảng bánh kẹo này niêm yết thì sẽ được mức thuế thấp hơn rất nhiều, khoảng 59 lần mức Kido phải chịu trong thương vụ rồi.
Với công ty cổ phần đại chúng niêm yết hoặc chưa niêm yết, thuế giao dịch sẽ là 0,1% tính trên doanh thu hoặc 20% tính trên lợi nhuận.
Một nhà đầu tư bán cổ phiếu trên sàn thường chọn nộp thuế theo mức 0,1% doanh thu dù lãi hay lỗ, sẽ lợi hơn cách sau. Nếu tính thuế theo cách này, Kido chỉ chịu chưa tới 8 tỉ đồng tiền thuế!
Liệu Kido làm theo cách có lợi nhất được không, là niêm yết mảng bánh kẹo sau cơ cấu?
Theo ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia tài chính doanh nghiệp, Kido vẫn có thể làm được dù mất nhiều thời gian.
Kido có thể định giá niêm yết cổ phiếu bánh kẹo ở mức cao, ví dụ 900.000 đồng/cổ phiếu.
Đồng thời, cộng với yếu tố biến động giá 10% mỗi phiên ở sàn Hà Nội (HNX) hoặc 7% sàn TP.HCM (Hose) sẽ giúp thương vụ diễn ra với mức giá hai bên mong muốn.
Tuy nhiên, dù áp dụng cách gì thì Kido cũng vướng qui định sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Trước ngày Kido công bố thương vụ, khối ngoại luôn duy trì sở hữu xoay quanh mức 49% cổ phần Kido. Và cho dù giới hạn này còn trống hoàn toàn, Kido cũng khó thực hiện thương vụ.
Một mặt vì giá trị mảng bánh kẹo lớn hơn giới hạn trên, mặt khác vì nhu cầu sở hữu của khối ngoại là chi phối toàn bộ doanh nghiệp hơn là giữ vai trò nhà đầu tư tài chính.
Giám đốc tư vấn doanh nghiệp của một công ty chứng khoán tại TP.HCM cho hay, cũng có cách để biến hình thức thương vụ rồi thành chuyển nhượng cổ phần đại chúng.
“Tuy nhiên, bản chất sự việc là phạm luật và sớm muộn cũng bị ngành thuế khui ra”, vị này nói.
Thực tế đã có doanh nghiệp muốn tránh khoản thuế cao như Kido nên cố tình phạm luật rồi vẫn bị truy thu thuế sau đó. Phở 24 và Y khoa Hoàn Mỹ là những trường hợp tương tự.
Như vậy, Kido không có nhiều lựa chọn trong thương vụ vừa rồi và chấp nhận mức thuế không được dễ chịu. Nếu thương vụ diễn ra trễ hơn, cụ thể là sau ngày 1/9/2015, Kido sẽ không mất nhiều tiền cho khoản thuế.
Có 2 nguyên do khiến Kido muốn hoàn tất thương vụ. Thứ nhất, DN muốn thoát khỏi mảng bánh kẹo càng sớm càng tốt vì tiềm năng tăng trưởng không còn hấp dẫn như trước, thứ hai là tranh thủ cơ hội đầu tư mới.
Ngay khi thương vụ chưa hoàn tất, Kido đã huy động hơn 1.700 tỉ đồng và rót ngay vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dầu ăn, mì gói – gia vị và cafe.
Sự gấp gáp này sau đó đã tạo ra những hệ lụy tiêu cực với cổ phiếu công ty. Cổ phiếu KDC giảm giá nhiều phiên từ mức đỉnh trên 60.000 đồng/cổ phiếu về mức 48.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí xuống 37.000 đồng/cổ phiếu.
Nhằm giảm hiệu ứng tiêu cực, Kido trả cổ tức 200% bằng tiền mặt, ra thông tin mua vào cổ phiếu quỹ giá cao...
Có đánh giá cho rằng, Kido làm vậy là để chia sẻ lợi nhuận với cổ đông. Nhưng cũng có không ít ý kiến nhìn nhận, động thái đó chỉ để giữ chân nhà đầu tư và giữ giá cổ phiếu không giảm sâu thêm.
Thậm chí, có người còn cho rằng, các phiên giảm giá mạnh đều có giao dịch thoả thuận số lượng lớn, cho thấy nhà đầu tư tổ chức tiếc nuối với chuyện Kido bán “nồi cơm” và phải chịu thuế cao.
Một số nhà đầu tư kì vọng, sau khi đưa vào báo cáo hợp nhất và cộng vào các khoản chi phí doanh nghiệp, sẽ giúp mức thuế này giảm xuống. Điều này cũng đúng nhưng chưa hẳn thay đổi được bản chất sự việc.
Theo ông Lân, lợi nhuận thương vụ Kinh Đô nằm trong mục thu nhập tính thuế, nên dù có vài khoản nhỏ được ưu đãi thuế, nhưng tổng mức thuế ở thương vụ cũng không thay đổi nhiều.
Như vậy có thể thấy, cổ đông của Kido rất "thiệt thòi" khi phải bán mảng bánh kẹo vào thời điểm Nghị định 60 chưa được thông qua.