Theo phản ánh của ông Trương Nhân Tiến, người vay tiền, tài sản thế chấp là gần 29.000 m2 đất (trong đó có 400 m2 đất thổ cư) cùng một số tài sản trên đất tại xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng.
Tự xác định người vay bỏ trốn
Ông Tiến cho biết: Năm 2000, ông có vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng (viết tắt là Agribank Lâm Hà) 50 triệu đồng để dùng vào việc chăm sóc cây cà phê. Thời hạn vay được tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho đến khi gia đình ông Tiến trả hết nợ cả gốc và lãi. Để đảm bảo việc trả nợ, ông thế chấp số tài sản trên.
Sau đó, do gặp khó khăn trong việc trồng cà phê như nhiều hộ gia đình khác, ông không tiếp tục trồng cà phê nữa mà đến Cam Ranh (Khánh Hòa) buôn bán. Tháng 4-2013, khi có đủ điều kiện kinh tế, gia đình ông liên hệ Agribank Lâm Hà để thanh lý hợp đồng tín dụng thì mới biết hợp đồng tín dụng trên đã được thanh lý và ngân hàng đã thu hết nợ (!).
Tìm hiểu thêm, ông được biết vào năm 2003, Agribank Lâm Hà đã lập bốn biên bản xác minh việc gia đình ông đang còn nợ vay ngân hàng nhưng bỏ trốn khỏi địa phương. Tháng 9/2005, căn cứ vào các biên bản xác minh người vay bỏ trốn, Agribank Lâm Hà đã tự tiến hành kê biên tài sản. Đến tháng 7-2008, Agribank Lâm Hà tự lập hội đồng định giá tài sản thế chấp và bán luôn cho một người khác với giá 50 triệu đồng. Ngoài người này thì còn có một nhân viên của ngân hàng cùng khai thác và sử dụng đất từ năm 2006.
Ông Tiến không hài lòng: “Đúng là tôi còn mắc nợ nhưng nếu muốn bán đất của tôi, ngân hàng phải kiện ra tòa. Đã vậy, trong biên bản bán tài sản thế chấp, phía ngân hàng còn đưa ra giấy ủy quyền thể hiện gia đình tôi đã ủy quyền cho ngân hàng xử lý tài sản thế chấp. Thật là vô lý!”.
Agribank: “Làm đúng nhưng chưa chặt chẽ”
PV đã đến Agribank Lâm Hà để tìm hiểu sự việc nhưng không gặp được lãnh đạo chi nhánh. Về phía Agribank tỉnh Lâm Đồng, Giám đốc Nguyễn Văn Chiểu nhìn nhận: “Đang có nghĩa vụ trả khoản vay đối với hợp đồng tín dụng đã ký nhưng gia đình ông Tiến lại rời khỏi địa phương mà không trình báo chính quyền và ngân hàng cũng không biết thông tin cụ thể. Chính vì không rõ gia đình ông Tiến đi đâu nên việc cán bộ Agribank Lâm Hà xác định gia đình ông Tiến bỏ trốn là không sai. Vì lo ngại bị mất vốn nên Agribank Lâm Hà buộc phải tiến hành xử lý tài sản thế chấp để thu hồi vốn cho vay”.
Hỏi: “Tại sao ngân hàng lại tự xử lý tài sản thế chấp của khách hàng mà không làm theo đúng quy định là khởi kiện ra tòa, sau đó yêu cầu cơ quan thi hành án bán đấu giá tài sản theo bản án?”.
Ông Chiểu trả lời: “Gia đình ông Tiến bỏ địa phương đi, né tránh nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng. Như vậy, ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp. Tuy nhiên, quy trình xử lý tài sản này của các cán bộ chưa chặt chẽ nên giờ mới bị người dân kiện lại”.
Hỏi thêm về chi tiết “có phải ngân hàng bán đất vào tháng 7/2008 nhưng thực tế một nhân viên của ngân hàng đã cùng với người mua quản lý, khai thác từ năm 2006?”, ông Chiểu chỉ cho biết: “Agribank tỉnh Lâm Đồng đang yêu cầu Agribank Lâm Hà xác minh, xử lý các thông tin liên quan”.
TS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng bộ môn Tố tụng dân sự, ĐH Luật TP.HCM:
Có quyền kiện đòi ngân hàng bồi thường
Nếu có thỏa thuận thì ngân hàng được phép xử lý tài sản thế chấp của khách hàng vay tiền. Ngược lại, nếu hai bên không có sự thỏa thuận nào về việc xử lý tài sản thế chấp thì ngân hàng không được tự xử lý tài sản thế chấp đó. Khi đó, bắt buộc ngân hàng phải khởi kiện ra TAND có thẩm quyền để khi bản án của tòa có hiệu lực thì tài sản thế chấp đó sẽ được cơ quan thi hành án tổ chức bán đấu giá theo trình tự luật định.
Nếu cho rằng ngân hàng đã làm sai, gây thiệt hại cho mình, gia đình ông Tiến có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu ngân hàng bồi thường.