Theo bức tâm thư của Tổng giám đốc Techcombank Simon Morris, nhân viên bị cắt thưởng Tết Quý Tỵ đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, trước đó, hầu hết nhân viên nhà băng này đều đoán già, đoán non thưởng Tết năm nay dù không hậu hĩnh như mọi năm, ít nhất cũng phải bằng năm ngoái.
Cụ thể, năn 2011, nhân viên tín dụng dù không hoàn thành tốt doanh số phát hành thẻ cũng được thưởng 3 tháng lương. Nhân viên lâu năm, năng lực làm việc khá thưởng tầm 50 triệu đồng trở lên. Những người có "vị trí" thì mức thưởng nhân theo lương tháng, có thể tới 100 triệu đồng. Cấp quản lí, tương đương trưởng, phó phòng và cao hơn nữa không dưới 200 triệu đồng/người.
Techcombank là ngân hàng đầu tiên công bố không thưởng.
Cũng thuộc top các ngân hàng thương mại lớn, ngân hàng Á Châu (ACB) luôn được xếp vào nhóm NH có mức thưởng “khủng” qua nhiều năm. Năm nay, CEO của ACB đã “dạm” trước kế hoạch lợi nhuận đặt ra từ đầu năm không đạt được, bị sụt giảm mạnh: lợi nhuận trước thuế đến tháng 9/2012 mới đạt 1.187 tỷ đồng, nên ngân hàng khó có thể hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 5.500 tỷ đồng. Chưa kể, ngân hàng có “biến cố” nên thưởng Tết Âm lịch chắc chắn bị ảnh hưởng và có thể không bằng năm ngoái.
Tết Dương lịch năm nay, ACB không có thưởng. Năm ngoái, ACB thưởng Tết Âm lịch từ 10-18 tháng lương. Cho nên, dù có thua kém năm ngoái thì mức thưởng của ACB vẫn rất đáng mơ ước với nhiều ngành nghề. Ngoài ra, ACB cũng có kế hoạch sẽ chia 10% cổ tức bằng tiền mặt.
Với Eximbank, ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất trong khối ngân hàng TMCP tại Việt Nam, sở hữu gần 14.000 tỷ đồng nhưng năm nay, Eximbank không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn và cắt giảm lương thưởng. Đến hết tháng 11/2012, tín dụng của Ngân hàng vẫn âm trên 10% và kết quả kinh doanh của Eximbank đến cuối tháng 11/2012 được lãnh đạo ngân hàng cho biết, chỉ mới đạt trên 3.000 tỷ đồng.
Cho đến giờ phút này, Eximbank khó có thể đạt được chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 4.600 tỷ đồng. Vì vậy, không những phải cắt giảm thưởng Tết, mà ngay cả với tỷ lệ cổ tức chi trả cho cổ đông năm nay, CEO của Eximbank cũng tuyên bố cắt giảm. Thế nhưng, năm 2011, Vietcombank, Eximbank là những nhà băng có mức thưởng Tết thuộc tốp đầu trong hệ thống. Đặc biệt, với các vị trí trưởng, phó phòng, mức thưởng có thể lên đến cả 5 - 6 tháng lương.
Dù khó khăn thế nào thì thưởng tết của ngân hàng vẫn là "khủng".
Tương tự, báo cáo tài chính quý III/2012 của Vietcombank cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, ngân hàng chỉ đạt 3.366 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 67% kế hoạch lợi nhuận năm. Trong quý III, Vietcombank đã phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tới 535,3 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng, số trích lập dự phòng lên tới gần 1.700 tỷ đồng. Dự đoán lợi nhuận của Vietcombank có thể chỉ đạt hơn 5.700 tỷ đồng trước thuế, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với chỉ tiêu đưa ra. Do vậy, mức lương, thưởng của “ông lớn” này chỉ là “cố gắng giữ ổn định”.
Trong khi đó, dự đoán VIB chỉ thưởng khoảng 2 tháng lương với nhân viên bình thường, làm khoảng 2 năm. Mức này đương nhiên là cao với hầu hết ngành nghề khác nhưng với nhân viên ngân hàng này đã là quá thê thảm. Tết năm 2010, nhân viên cùng loại được nhận 4,5 tháng lương cơ bản (3 triệu/tháng). Tết 2011, thưởng 7 tháng lương cơ bản (3,5 triệu/tháng).
Habubank có thể thưởng tết 1 tháng lương (mức trước khi Habubank sáp nhập cùng SHB thường là 3 tháng lương). Sacombank sẽ chi thưởng tháng 13 trong vài ngày tới, còn thưởng Tết âm lịch thì đang xem xét, nhưng không bằng năm ngoái. OCBank chỉ thưởng cho những nhân viên làm tốt, hoàn thành chỉ tiêu.
Mới đây, trả lời chất vấn trước Quốc hội, thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình nêu rõ quan điểm, sẽ dứt khoát nghiêm cấm các ngân hàng chia thưởng, tăng lương nếu như không trích lập đủ dự phòng rủi ro và phải dành lợi nhuận để xử lý nợ xấu. Ý kiến của Thống đốc được văn bản hóa trong nội dung của Chỉ thị số 06 về hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2012 và năm 2013 ban hành hôm 9/11.
Theo một số chuyên gia tài chính ngân hàng, mức thưởng năm nay và năm tới của ngành ngân hàng không loại trừ nhiều ngân hàng cắt hẳn khoản thưởng bởi vì làm ăn thua lỗ. Trong văn bản trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội hồi đầu tháng này, Thống đốc đã cho biết, theo sổ sách báo cáo thì có những ngân hàng báo lãi, nhưng thực tế qua thanh tra, sau khi bắt buộc trích lập dự phòng rủi ro thì lại lỗ, thậm chí có ngân hàng còn mất cả vốn điều lệ. Theo một nguồn tin từ NHNN, trong năm nay có tới hơn 20 tổ chức tín dụng làm ăn thua lỗ.