Ngày 15/7, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, biểu lãi suất huy động mới với mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm về còn 5% kể từ ngày 15/7. Trước đó, nhà băng này áp dụng mức lãi 6,5%/năm đối với người gửi là cá nhân và 6%/năm đối với tổ chức, doanh nghiệp. Mức lãi tiền gửi cao nhất được BIDV áp dụng là 8%/năm cho kỳ hạn từ 12 -36 tháng. Kỳ hạn 3-9 tháng được ngân hàng này niêm yết ở mức 7%/năm.
Không chỉ BIDV, một ông lớn khác nằm trong top 4 ngân hàng lớn nhất nước là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng công bố biểu lãi suất mới. Tuy không giảm sốc như các ngân hàng trước, nhưng với mức giảm 0,5%/năm cho kỳ hạn gửi tiền đồng 1 tháng (6%/năm) cũng là mức thấp của thị trường.
Trước đó, ngày 11/7, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng bất ngờ điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng còn 5%, giảm 1% so với mức áp dụng trước đó.
Trả lời PV về quyết định "giảm sốc" lãi suất, bà Phan Thị Chinh – Phó Tổng giám đốc BIDV cho hay, căn cứ vào tình hình thị trường và cơ cấu nguồn vốn BIDV quyết định giảm lãi suất kỳ hạn tiền gửi 1 tháng từ 6-6,5%/năm về mức 5%/năm.
"Khi huy động ngân hàng phải đa dạng kỳ hạn để phù hợp với nhu cầu người gửi, tuy nhiên hiện ngân hàng đang dư thừa nguồn đầu vào ngắn hạn, trong khi đầu ra thì lại cho vay trung – dài hạn. Giữ nguồn tiền mà đầu ra lại ứ, không xài được thì ngân hàng phải tìm cách cơ cấu lại nguồn vốn của mình là đương nhiên. Để hoạt động có lãi trong bối cảnh hiện nay nhiều ngân hàng buộc phải giảm bớt lãi suất huy động đầu vào” – Phó tổng giám đốc BIDV chia sẻ.
Lãnh đạo BIDV cũng cho rằng, dù giảm lãi huy động kỳ hạn ngắn về 5%/năm nhưng nhà băng này cũng không lo người gửi tiền sẽ rút tiền tiết kiệm khỏi ngân hàng, ngược lại họ sẽ cân nhắc chuyển sang các kỳ hạn dài hơn để gửi. Động thái giảm lãi suất lần này cũng sẽ định hướng cho người gửi tiền lựa chọn kỳ hạn tốt nhất để gửi.
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, thời gian qua dù giá vàng trong nước vẫn chênh với giá thế giới nhưng đã giảm nhiệt, giá USD cũng có sự biến động nhất định, do đó đã xuất hiện sự dịch chuyển dòng vốn từ két nhà băng sang lĩnh vực này.
"Để cầm chân khách hàng, giữ vốn huy động thì một số ngân hàng trung và nhỏ vẫn phải giữ lãi suất cao. Thành ra, việc giảm lãi suất là tích cực với các ngân hàng lớn nhưng cho toàn ngân hàng thì chúng ta vẫn chưa thể chờ đợi việc giảm lãi suất trong lúc này", TS. Hiếu bình luận.
Cùng với đà giảm mạnh lãi suất huy động đầu vào, kỳ vọng lãi suất đầu ra sẽ hạ nhiệt càng được nhen lên. Song, xem ra hy vọng này không nhiều, bởi theo Phó tổng giám đốc một NHTM tại Hà Nội, việc giảm lãi huy động kỳ hạn ngắn – 1 tháng, dù mức giảm 2% là khá nhiều so với trần 7%/năm quy định của cơ quan điều hành, nhưng mức kỳ hạn gửi 1 tháng chiếm tỷ lệ rất ít.
Trong khi đó, không nhà băng nào cho vay kỳ hạn 1 tháng, thông thường là 3-6 tháng. Vì thế, xét về lý thuyết, việc giảm lãi suất huy động sẽ giúp nhà băng giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm lãi vay, nhưng "về bản chất giảm lãi suất kỳ hạn ngắn dù có mạnh cũng không mang nhiều ý nghĩa".
Còn theo báo cáo của NHNN, tuần từ 1-6/7/2013 hiện mặt bằng lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh của khối NHTM phổ biến ở mức 9,5 – 11,5%/năm đối với ngắn hạn, trung và dài hạn là 12-13%/năm. Khối NHTM Nhà nước cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 9-10,5%/năm đối với ngắn hạn; trung và dài hạn khoảng 11,5-12,8%/năm. Riêng 5 lĩnh vực ưu tiên lãi vay phổ biến ở mức 7-9%/năm.
Số liệu trên cho thấy, dù các nhà băng tuyên bố sẽ tung dòng vốn rẻ ra thị trường nhưng thực tế tiền lãi vay của các DN vẫn đang khá cao, gánh nặng đồng vốn vẫn "đè" lên lưng các ông chủ DN. Nên, dù lãi đầu vào đang ngày một rẻ đi, túi tiền gửi tiết kiệm của người dân ngày càng "teo tóp" thì lãi vay đầu ra vẫn chưa thể hạ nhiệt.