Dự báo, rủi ro lớn nhất năm 2013 là lạm phát vẫn tiềm ẩn liên quan tới giá điện tăng, giá dịch vụ y tế và giáo dục tại một số địa phương có thể tiếp tục điều chỉnh. Ủy ban cảnh báo rủi ro về nguồn vốn đang khan hiếm trong nền kinh tế có thể bị phân bổ lệch lạc, “chảy” vào nhóm lợi ích và các doanh nghiệp sân sau.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái giảm lãi suất điều hành, song không ít ngân hàng thương mại cổ phần đã phải mạnh tay giảm lãi suất cho vay do thị trường tín dụng nghẽn đọng đầu ra.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn cho rằng, ngân hàng không có thị trường đầu ra cũng phải hạ giá “sản phẩm”, tìm đủ biện pháp để bán hàng, nếu không thì vốn tồn đọng chẳng khác gì doanh nghiệp tồn kho. Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại ở Hà Nội cho biết, 2 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng âm khoảng 5-6%.
Cái khó bó đầu ra của ngân hàng là một số doanh nghiệp được “mời” vay lãi suất 8-10%/năm nhưng họ vẫn không mặn mà, trong khi nhiều doanh nghiệp lại “xin” được vay vốn và sẵn sàng trả lãi suất tới 12-13%/năm, song ngân hàng vẫn không dám “liều” cho vay.
Bởi vì, nếu cho vay dễ dãi thì chỉ vài tháng, tăng trưởng tín dụng có thể dương vài phần trăm, nhưng gánh nặng nợ xấu sẽ khó tránh khỏi. Khó khăn trong việc khơi thông dòng tín dụng nghẽn mạch là thách thức lớn nhất của hệ thống ngân hàng. Thị trường vốn đầu ra bế tắc, các ngân hàng buộc phải chấp nhận “gửi” vốn trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất “bèo bọt” chỉ bằng một nửa mức trần lãi suất huy động.
Một thành viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia nhận xét, trên thực tế, nợ xấu của hệ thống ngân hàng thời gian qua đã giảm, song không phải do nền kinh tế chuyển động tốt, hàng hóa luân chuyển tốt hoặc hàng tồn kho giảm mà là các ngân hàng thương mại đã dùng trích lập dự phòng rủi ro để xóa một phần nợ xấu.
Điều đó có nghĩa là, các ngân hàng phải đánh đổi lợi nhuận để giảm nợ xấu chứ không phải bản thân các khoản nợ xấu đã tốt lên. Vì vậy, dù mặt bằng lãi suất tới đây có thể tiếp tục giảm, tăng trưởng tín dụng vẫn là điểm nghẽn của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
Trong bản báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã khuyến cáo rằng, “phá băng” bất động sản có thể giảm nợ xấu, giảm hàng tồn kho. Song, câu hỏi đặt ra là tiền dùng để cứu bất động sản lấy từ nguồn nào và làm thế nào để kiểm soát dòng tiền không “chảy” vào nhóm lợi ích, các doanh nghiệp sân sau.
Ngân hàng cũng tồn kho vốn nhưng vẫn phải tránh tình trạng “lãi giả lỗ thật”, phải giám sát chặt chẽ sở hữu chéo và giảm nợ xấu tận gốc. Lạm phát kỳ vọng và lạm phát tâm lý vẫn luôn rình rập, không thể lơ là.