Theo dự đoán từ các chuyên gia, Mỹ sẽ là quốc gia có thể tự cung tự cấp nguồn dầu mỏ trong khi 90% lượng dầu từ các nước Trung Đông sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc. Cơ quan năng lượng thế giới IEA đánh giá, trong một thập kỷ tới, từ nước phụ thuộc vào trữ lượng dầu của Ả-rập Xê- út, Mỹ sẽ trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Cơ quan này cho hay đột phá từ công nghệ mới cho phép chúng ta khai thác nguồn nhiên liệu hóa thạch quý giá và đây có thể là bước ngoặt định hình lại bản đồ năng lượng quốc tế. Trong 5 thập kỷ qua, Mỹ đã phụ thuộc nhiều vào sản lượng dầu từ các quốc gia Trung Đông. Nhưng trong vòng hơn 20 năm nữa, Mỹ có thể tự cung tự cấp tất cả các loại năng lượng và 90% lượng dầu ở Trung Đông sẽ được chuyển vào thị trường Trung Quốc.
Nguồn dầu khí gồm có đá phiến dầu và khí sẽ góp phần tăng sự tự chủ của Mỹ về năng lượng nhưng lại kéo theo tác động lớn đối với địa chính trị và thay đổi khí hậu. Nếu chính phủ và các công ty lựa chọn loại nhiên liệu hóa thạch với giá cả rẻ hơn để thay thế cho nguồn nhiên liệu bền vững như nhiên liệu gió và mặt trời thì hi vọng cắt giảm lượng khí phát thải gây ô nhiễm môi trường sẽ trở nên rất mong manh.
Việc Mỹ trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới sẽ đánh dấu một sự thay đổi căn bản về chính trị thế giới. Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các quốc gia khu vực Trung Đông trong nhiều thập kỷ qua được xây dựng dựa trên nhu cầu cung cấp dầu cần thiết để hỗ trợ cho nền kinh tế xe hơi đang “khát’ dầu.
Fatih Birol, kinh tế trưởng của IEA cho hay “Bản đồ năng lượng thế giới sắp tới sẽ có nhiều sự thay đổi”. Tuy nhiên, ông vẫn hi vọng có thể tránh được tác động của biến đổi khí hậu nếu các công ty nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng vừa có thể mang lại lợi ích trước mắt vừa có thể cắt giảm hóa đơn năng lượng và phát thải khí các-bon.