Thông tin từ UBND thành phố Hà Nội cho biết, bình quân mỗi năm trên địa bàn thành phố xây dựng được 2,5 triệu m2 nhà ở, diện tích bình quân đầu người đạt khoảng 21,5 m2. Trong 10 năm gần đây toàn thành phố đã phát triển thêm được khoảng 25 triệu m2 nhà ở; trong đó, diện tích phát triển nhà ở theo dự án đạt gần 11 triệu m2, chủ yếu tại khu vực đô thị, nhà ở do nhân dân tự xây dựng đạt trên 14 triệu m2.
Đối với dự án thương mại, thành phố đang triển khai 370 dự án phát triển khu đô thị, khu nhà ở với tổng diện tích đất sử dụng gần 18.000 ha; trong đó đất xây dựng nhà ở thương mại gần 5.700 ha, đất xây dựng nhà ở xã hội 243 ha. Trong các dự án có khoảng 520.700 căn hộ, diện tích trên 82 triệu m2.
Đối với nhà tái định cư, Hà Nội đã hoàn thành 149 tòa nhà chung cư với trên 12.000 căn hộ. Còn nhà ở xã hội đang triển khai 14 dự án nhà cho người thu nhập thấp; nhà ở công nhân các khu công nghiệp đã đưa vào khai thác sử dụng gần 4.500 phòng cho hàng chục ngàn lao động. Nhà ở cho sinh viên triển khai 10 dự án đáp ứng chỗ ở cho 43.500 sinh viên.
Thế nhưng, tính đến hết năm 2012, theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, sàn giao dịch, tình trạng tồn kho bất động sản trên toàn thành phố đang rất lớn. Cụ thể, nhà chung cư còn 5.789 căn hộ tồn kho chưa bán hoặc chưa huy động được vốn, tương ứng khoảng 566.000 m2 sàn. Nhà thấp tầng, biệt thự, nhà liền kề tồn kho gần 3.500 căn; nhà ở thu nhập thấp 330 căn. Diện tích sàn văn phòng đủ điều kiện cho thuê tồn khoảng 175.000m2.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hà Nội, hiện nợ xấu bất động sản tại Hà Nội chiếm khoảng 13% tổng dư nợ xấu của ngân hàng.
Với những con số thống kê kể trên, cho thấy số hàng tồn kho là khá lớn, thế nhưng trên thực tế còn 375.000 hộ dân tương đương 52% số hộ gia đình trên địa bàn thành phố đang sống chật chội dưới mức bình quân cho phép.
Theo UBND thành phố Hà Nội, hiện nay người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp, người lao động, cán bộ công chức có nhu cầu nhà ở rất lớn. Gần 190.000 cán bộ công chức hưởng lương ngân sách của gần 100 cơ quan, đơn vị đăng ký có nhu cầu nhà ở.
Để giải quyết tình trạng người dân thiếu nhà ở, Hà Nội sẽ mua lại các dự án nhà thương mại chuyển sang nhà ở xã hội. Hà Nội đề ra một số giải pháp mạnh và đang trình Chính phủ giải quyết như: Sớm phê duyệt đề án xử lý nợ xấu, ban hành cơ chế chính sách mở rộng tín dụng cá nhân để kích cầu mua nhà ở; ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi chuyển đổi từ nhà thương mại sang tái định cư, nhà ở cho thuê, thuê mua, trả chậm, nhà công vụ...
Đồng thời, thành phố Hà Nội cũng đã đề nghị các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước sớm đề xuất điều chỉnh bổ sung các chính sách tín dụng, đất đai. Cần tiếp tục cho giãn nộp tiền sử dụng đất đối với trường hợp đã được giãn, hoãn, có thể kéo dài thời gian nộp sang năm 2014.