Ngày 7.8 vừa qua, Tập đoàn bán lẻ Đức Metro đã chấp thuận bán Metro Việt Nam cho tập đoàn Thái Lan Berli Jucker (BJC) với giá 655 triệu euro (876 triệu USD). Theo đó, BJC sẽ sở hữu toàn bộ công ty Metro Cash & Carry Việt Nam bao gồm tất 19 cửa hàng bán sỉ và danh mục đầu tư bất động sản có liên quan.
Thương vụ diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Metro tại Việt Nam không hiệu quả bằng các thị trường khác. Thực tế doanh số của Metro Việt Nam không ấn tượng, thấp hơn 1,25 lần so với mức bình quân của Metro.
Về phía BJC, sau khi thâu tóm thành công Metro Việt Nam, BJC đã hoàn thiện hệ thống của mình với "mảnh ghép" bán buôn có tổng diện tích lên tới 110.000 mét vuông. Với thương vụ này, BJC có mặt tại Việt Nam với đủ 4 mảng chính, bao gồm sản xuất, phân phối, bán buôn và bán lẻ.
Miếng ghép bán buôn bán lẻ
Metro Việt Nam nằm trong “ý đồ” hoàn thiện chuỗi cung ứng của BJC tại Việt Nam, đó là lý do tại sao tập đoàn này kiên quyết theo đuổi thương vụ đến cùng dù không ít lần bị từ chối.
Tiếp quản 19 trung tâm Metro Việt Nam từ năm 2015, BJC đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới cửa hàng, mở rộng hệ thống cung cấp, tập trung hơn vào những phân khúc chính, những nhóm khách hàng chính mà cụ thể là trong lĩnh vực bán buôn. Hiện Metro chiếm khoảng 22% thị phần tạp hóa (grocery market) Việt Nam.
Mảng bán buôn của Metro sẽ bổ trợ cho mảng bán lẻ của chuỗi cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu B’s mart mà BJC mua lại từ tập đoàn Phú Thái và đối tác Nhật. Cùng với việc đổi tên từ Family Mart sang B’s mart, chuỗi cửa hàng này cũng thay đổi cách thức cung ứng khi có đến 60% hàng hóa Thái đã có mặt tại các hệ thống của thay vì hàng Việt hoặc hàng Nhật như trước kia.
Số cửa hàng tiện lợi của B's mart tăng một cách nhanh chóng, từ 44 cửa hàng tính đến giữa tháng 5.2014, hiện tại đã lên 75 cửa hàng tại TPHCM. Trong tương lai, B’s mart sẽ nhanh chóng mở rộng phát triển trên toàn quốc. Doanh thu của chuỗi cửa hàng này tại Việt Nam khoảng 9 triệu USD/năm.
Đằng sau những miếng ghép
Từ tháng 1.2015, trong bối cảnh hướng tới cộng đồng kinh tế chung ASEAN, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ được mở cửa hoàn toàn theo cam kết WTO. Thời điểm đó được cho sẽ là dịp để hàng loạt đại gia bán lẻ ngoại đã đổ bộ vào Việt Nam và lên những kế hoạch "khủng" để thâu tóm thị trường. Các thương vụ thâu tóm của BJC nói riêng có thể coi là động thái đón đầu cho một làn sóng “du nhập” thị trường bán lẻ Việt Nam đầy tiềm năng.
Ở một khía cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng, việc thâu tóm các chuỗi cửa hàng bán lẻ ở Việt Nam của các tỷ phú Thái Lan sẽ mở đường cho hàng Thái. Thực tế, theo số liệu đến cuối 2013, 70% hàng hóa bán tại B’s mart là hàng Thái Lan và mục tiêu của B’s mart là tạo dựng thương hiệu hàng hóa Thái tại khu vực Đông Dương.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập siêu từ Thái Lan 1,37 tỷ USD, năm 2013 Việt Nam cũng nhập siêu từ thị trường này là 3,2 tỷ USD. Số liệu Hải quan cho hay, nửa đầu năm 2014, giá trị nhập khẩu từ Thái Lan xấp xỉ 3,17 tỷ USD, xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt 1,65 tỷ USD.
Trước ý kiến cho rằng, BJC muốn tận dụng cơ hội để đưa chuỗi cung ứng hàng Thái Lan vào thay thế hàng Việt tại Metro, trả lời BBC ngày 13/8, bà Metinee Isarachinda, trợ lý Phó chủ tịch bộ phận Quan hệ Đầu tư của BJC, nói: “Trước mắt chúng tôi không có kế hoạch thay đổi hay thay thế bất kỳ sản phẩm nào" đang được phân phối qua hệ thống Metro Việt Nam. Song BJC sẽ sớm bổ sung thêm nhiều mặt hàng từ Thái Lan. Chúng tôi muốn dẫn đầu chuỗi cung ứng trong khu vực". "Hiện BJC đã có hệ thống sản xuất, hệ thống bán lẻ và giờ đây, chúng tôi muốn làm chủ hệ thống bán sỉ", bà nói.