Mặc dù chưa có kết quả kiểm định chất lượng, nguồn gốc của nhiều sản phẩm mang thương hiệu cao cấp Gucci, Dolce&Gabbana (Ý) bị cơ quan chức năng phát hiện tại khách sạn Sheraton (TPHCM) mới đây nhưng với thông tin ban đầu là lô hàng được nhập từ cảng Hồng Kông và tên đơn vị xuất hàng là một công ty ở Trung Quốc, dư luận, nhất là những người thường dùng hàng hiệu, rất hoang mang.
Hàng giả, nhái bán đầy chợ
Gần đây, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện, thu giữ và tiêu hủy nhiều loại hàng hóa nhập lậu, giả các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Mới đây, Đội Kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan đã tiêu hủy gần 10.000 sản phẩm là hàng lậu, hàng giả những thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Mont Blanc, Hollister...
Số hàng này có nguồn gốc không rõ ràng hoặc là hàng Trung Quốc do Công ty TNHH MTV TM - DV Minh Chánh (quận Bình Tân - TPHCM) nhập khẩu về cảng Cát Lái (TPHCM).
Trước đó, giữa tháng 11-2012, Đội QLTT 3A - Chi cục QLTT TPHCM cũng đã kiểm tra Công ty TNHH Thái Thụy và Công ty TNHH Đại Huỳnh Gia (đều ở quận Tân Phú - TPHCM), phát hiện 2 công ty đang đóng gói và may áo thun giả nhãn hiệu Lacoste. Điều đáng nói là mác áo in dòng chữ “Made in France”...
Đến ngày 10-12, cửa hàng Gucci (88 Đồng Khởi, quận 1 - TPHCM) vẫn còn bị niêm phong. Ảnh: TRẦN THẮNG
Ghi nhận thực tế tại thị trường TPHCM cho thấy hiện các loại hàng hiệu giả, hàng nhái bày bán tràn lan và gần như công khai, trong đó nhiều nhất là ở các khu chợ nổi tiếng như Saigon Square, Taka, An Đông Plaza và nhiều shop thời trang trên các tuyến đường trung tâm TP như Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi...
Tại những điểm bán hàng này, không ít người bán vẫn mặc nhiên coi đó là hàng giả nhưng giá bán cũng không hề rẻ. Tại shop D. trên đường Cách Mạng Tháng Tám, chúng tôi được người bán giới thiệu nhiều loại hàng hiệu fake 1 (hàng nhái cấp 1) với giá bán lên đến 3-4 triệu đồng/sản phẩm, tùy mặt hàng...
Tại các chợ Bến Thành, An Đông, Thương xá Tax, Saigon Square và một số trung tâm thương mại khác cũng bán đầy rẫy các loại quần áo thời trang, giày dép, túi xách… nhãn hiệu Louis Vuitton, Bally, Salvatore Ferragamo, Hugo Boss, Coach, D&G, Lacoste, Levi’s, Tommy… với giá rất “bèo”, chỉ vài trăm ngàn đồng/món.
Trên các trang web thương mại điện tử đầy rẫy sản phẩm của những nhãn hiệu nổi tiếng được rao bán với giá rẻ bất ngờ, chỉ vài chục ngàn đồng/món. Chẳng hạn, Trang hotdeal chào bán áo thun nhãn hiệu Adidas giá chỉ 76.000 đồng/cái, áo thun Lacoste 79.000 đồng/cái; thắt lưng Louis Vuitton, mắt kính Gucci, Dior… giá chỉ 69.000 - 79.000 đồng/cái. Trên runhau.vn chào bán đồng hồ Louis Vuitton giá 129.000 đồng/cái, sữa rửa mặt Lancôme chỉ 69.000 đồng/tuýp…
Tuy nhiên, các hãng Lacoste, Calvin Klein, Louis Vuitton… tại Việt Nam xác nhận chỉ bán hàng chính hãng tại các cửa hàng, sản phẩm trên các web bán hàng qua mạng chắc chắn là hàng giả.
Tinh vi hàng nhái
Giới am tường về thị trường hàng hiệu cho biết hầu hết các thương hiệu nổi tiếng thế giới đều có hàng fake (hàng nhái), trong đó nhiều nhất là hàng Trung Quốc. Hàng fake có nhiều loại. Nếu là hàng fake loại 1 thì chất lượng tương đối cao nên người tiêu dùng bình thường rất khó phân biệt với hàng thật.
Đặc biệt, với loại này, không ít người mua cũng phải “săn”. Chúng tôi từng chứng kiến một người trong giới showbiz đặt mua một chiếc túi Hermes fake 1 có giá gần 20 triệu đồng (giá bán hàng thật của chiếc túi này khoảng trên 100 triệu đồng).
Bà Hồng, một người chuyên đánh hàng thời trang như túi xách, ví, dây nịt, đồng hồ… từ Trung Quốc về bỏ sỉ cho khách hàng ở TPHCM, cho biết hàng fake cũng có đến 5-7 loại. Tùy theo nhu cầu của khách hàng mà bà “đánh” loại nào.
Theo bà Hồng, hàng fake loại 1 được làm rất giống hàng thật, đặc biệt có cả tem, code gần giống để có thể đánh lừa người mua. Ngay những người đã quen dùng hàng hiệu đôi khi cũng mua nhầm hàng nhái.
Bà Hồng tiết lộ: Trước đây, nhiều người thường dựa vào nhãn mác để phân biệt hàng thật - giả nhưng nay nếu chỉ “soi” nhãn mác là mua nhầm hàng giả ngay vì hiện tại, nhiều thương hiệu cao cấp đang đặt gia công tại Việt Nam và một số nước nên nhãn mác “xịn” được tuồn ra thị trường không ít.
Nhiều người chuộng hàng hiệu, bỏ tiền triệu ra mua nhưng cuối cùng chỉ có mác là thật còn sản phẩm là hàng “không chính hãng” là vậy...