Theo Artprice, thị trường nghệ thuật Trung Quốc đang bùng nổ mạnh mẽ, vượt qua cả Anh và Mỹ, trở thành thị trường giao dịch lớn nhất với tổng doanh thu lên tới 4,79 tỷ USD vào năm ngoái.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định rằng dường như thị trường nghệ thuật Trung Quốc đã mất đi giá trị cơ bản của nó, bao trùm lên là nghành công nghiệp với giấy tờ giả mạo, rửa tiền, gian lận và lừa đảo.
Người sáng lập ra thị trường nghiên cứu nghệ thuật Skate, ông Sergey Skaterschikov phát biểu: “Hầu hết là đồ giả. Thị trường Trung Quốc chủ yếu là rửa tiền. Nhiều sản phẩm nghệ thuật chỉ có giá 100 đô la nhưng lại bị thổi giá lên gấp nhiều lần. Rất khó để có thể có được sự minh bạch vì giá trị nghệ thuật là vô cùng”.
Chính vì vậy, các sản phẩm nghệ thuật đã lấn lướt bất động sản, cổ phiếu, các tài khoản ngân hàng nước ngoài để trở thành sự lựa chọn số một cho các thương gia “lắm tiền nhiều của” hoặc các quan chức tham nhũng để che giấu những khoản tiền bất chính.
Năm ngoái, một doanh nhân Trung Quốc đã sở hữu một miếng ngọc cổ giả sau khi được thẩm định, nó có giá trị lên tới 375 triệu USD. Người này sử dụng miếng ngọc làm tài sản thế chấp hợp pháp để vay ngân hàng số tiền là 100 triệu USD.
“Những con số này rất lớn vì họ thổi giá lên cao. Thông qua quá trình giao dịch mua bán các bức tranh giả, thực lẫn lộn và đồ cổ khu vực này, có thể khẳng định, nó tiềm ẩn vấn nạn rửa tiền”, ông Lo Shiu-Hing, chuyên gia về tội phạm xuyên quốc gia Hồng Kông cho biết.
Hàng năm, thị trường nghệ thuật mang lại doanh thu khổng lồ 6 tỷ đô la, tuy nhiên đây cũng là một trong những ổ tội phạm lớn nhất thế giới, chỉ sau ma túy và buôn bán vũ khí.