Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị bổ sung quy định về bảng lương của kiểm sát viên cơ quan này, theo đó sẽ có 2 bậc, hệ số từ 8,80 đến 9,40 (quy định hiện hành là 6 bậc, hệ số từ 6,20 đến 8,00).
Nhưng, đề nghị này - theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - là không phù hợp.
Dẫn phân tích của Bộ Nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh, nếu quy định bảng lương của kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao như đề nghị trên, thì lương chức danh phó Viện trưởng được xếp bậc 2 hệ số lương 9,40 cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo hiện hưởng là 1,30, thì có tổng hệ số là 10,70.
Khi ấy, mức này sẽ cao hơn bậc 1 hệ số lương 10,40 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, phó Chủ tịch Quốc hội, phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Trung ương Đảng.
Với phân tích này, Ủy ban Tư pháp đề nghị trong khi chưa có đề án tổng thể về cải cách chính sách tiền lương, ngạch kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và kiểm sát viên cao cấp vẫn áp dụng quy định hiện hành.
Nhưng để đảm bảo tính hợp lý và công bằng về chính sách lương giữa hai ngạch kiểm sát viên này, thì đa số thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành với ý kiến của Bộ Nội vụ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện - Ảnh: Việt Dũng.
Theo đó, trong trường hợp kiểm sát viên cao cấp được bổ nhiệm kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, và kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao theo luật cũ được bổ nhiệm làm kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao theo luật mới, thì được xếp lên một bậc lương liền kề của bậc lương hiện hưởng tại thời điểm bổ nhiệm, Chủ nhiệm Hiện cho biết.
Bên cạnh nội dung trên, đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng chế độ phụ cấp thâm niên nghề và phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với công chức, viên chức không xếp lương theo chức danh tư pháp chuyên ngành; đồng thời quy định chế độ phụ cấp ngành thay cho chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng không được Ủy ban Tư pháp đồng tình.
Ông Hiện cho biết hiện nay có 17 ngành, nghề đang đề nghị Thủ tướng bổ sung hoặc sửa đổi chế độ phụ cấp ưu đãi, trách nhiệm, đặc thù theo nghề.
Và để bảo đảm sự đồng bộ về chính sách tiền lương trong toàn bộ hệ thống chính trị, tránh phát sinh bất hợp lý mới, Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành cho đến khi có đề án tổng thể về cải cách chính sách tiền lương mới.
Kết thúc phần trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện nói thêm rằng về cơ bản, ông “rất thông cảm” với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
“Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ đặc biệt vấn đề tiền lương, phụ cấp phải chờ đổi mới toàn thể trong hệ thống chính trị, chứ không phải mỗi ngành khi ban hành một luật lại thay đổi luôn chế độ tiền lương, phụ cấp thì chắc nhà nước không thể đáp ứng được”, ông Hiện nói.
Đồng ý với quan điểm của Ủy ban Tư pháp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, hiện nay đề án tổng thể về cải cách tiền lương và các chế độ phụ cấp đang làm.
“Từ rất lâu rồi, chúng ta không đặt ra bất cứ một chế độ nào mới phát sinh làm phá vỡ toàn bộ mặt bằng trong hệ thống chính trị của chúng ta.
Tôi nhớ, lần trước khi bàn về vấn đề này tòa án đã chấp hành ý kiến của Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo, là lần này chỉ trình việc thành lập, còn chế độ không trình”, bà Ngân nói.
Giải thích về đề nghị mức lương và phụ cấp của các chức danh mới mà theo phân tích của Bộ Nội vụ là cao hơn cả phó thủ tướng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phân trần:
“Chúng tôi đặt ra câu chuyện cao như thế này là vì phù hợp với nghị quyết của Bộ Chính trị là có chế độ đặc thù, cho nên chúng tôi đề nghị cao hơn một chút so với ngạch thông thường”.
Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: “Những chức danh mới phải lấy mặt bằng hiện tại để quy định, không phải lấy mặt bằng mới, nếu muốn nhấc cho cao lên thì phải chờ mặt bằng chung”.