Đại hội cổ đông vừa qua Sacombank đã chính thức “thay tên đổi chủ” khi hầu hết những TV HĐQT và ban lãnh đạo trước đây đã ra đi. Kỳ đại hội này đã không còn nóng vì mọi chuyện đã an bài. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý kỳ Đại hội này là ban lãnh đạo của công ty lại nhận được quá nhiều ưu đãi?
Đầu tiên phải kể đến là chi thù lao cho HĐQT và BKS của ngân hàng lên tới 93 tỷ đồng. Con số này vượt xa mức 2% lợi nhuận sau thuế (20 tỷ) theo như Nghị quyết đại hội đồng cổ đồng năm trước. Lý giải cho sự chênh lệch này một lãnh đạo Sacombank cho biết là tiền để “tri ân” một số cựu lãnh đạo của của Sacombank.
Như vậy, tính ra chia đều thì trong năm qua mỗi TV HĐQT của Sacombank kiếm gần 9 tỷ đồng không kể các khoản thu nhập khác nữa. Số tiền này lớn hơn rất nhiều so với năm trước nhưng kết quả kinh doanh của Sacombank thì tệ hại khi lợi nhuận sau thuế giảm hơn 50% so với năm trước.
Tuy nhiên, con số nay chưa thấm tháp vào đâu so với “tiềm năng” mà ban lãnh đạo ngân hàng này có thể kiếm được trong năm 2013. Thù lao cho HĐQT của Sacombank vẫn là 2% lợi nhuận sau thuế của ngân hàng tuy nhiên còn có thêm 20% phần phần vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Dù vậy, con số trên vẫn không đáng kể gì so với số tiền mà lãnh đạo của Sacombank có được từ cổ phiếu ưu đãi. Cụ thể, theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông 2013, Sacombank sẽ phát hành cho cán bộ chủ chốt 32,22 triệu cổ phiếu (3% VĐL), giá bán bằng mệnh giá. Như vậy, so với giá thị trường ngày 26/05 (21.600 đồng/cổ phiếu) thì những người được mua cổ phiếu ưu đãi sẽ nhận được khoản tiền chênh lệch lên tới 373,75 tỷ đồng).
Số tiền này bằng 64% số tiền chia cổ tức năm 2012 của ngân hàng này. Cũng theo nghị quyết thì những được mua cổ phiếu ưu đãi là ban quản trị, ban kiểm soát, ban điều hành, tức là số người được mua giới hạn rất ít.
Như vậy, dù cổ phiều này bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm thì họ cũng nhận được một số tiền chênh lệch khổng lồ. Con số này càng khủng khiếp nếu so với giá 30.000 đồng/cổ phiếu mà Sacombank phát hành cho cổ đông chiến lược.
Như vậy, bất chấp sự khó khăn của nền kinh tế, nợ xấu đang đe dọa sự tồn vong của hệ thống ngân hàng. Lãnh đạo ngân hàng vẫn kiếm bộn tiền một cách khá dễ dàng thông qua các con đường khác nhau.
Điều đáng nói với đặc thù của ngành ngân hàng người lãnh đạo, ban quản trị thường nắm tỷ lệ rất ít cổ phiếu. Tuy nhiên, thực tế họ lại quyết định được các chính sách lớn, tất nhiên, trong đó nhiều chính sách có lợi cho họ, việc mua cổ phiếu ưu đã chỉ là một trong số đó.