Chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Kế Đông vào một buổi trưa nắng gắt tháng 7. Anh là người đầu tiên đưa các loại rắn độc về làng Bạch Xá, giúp tên tuổi làng gắn liền với rắn thương phẩm. Đầu năm 1990, anh Đông bắt đầu thực hiện mô hình với 5 chuồng nuôi rắn hổ mang và rắn hổ trâu; mỗi chuồng rộng khoảng 3m2, nuôi 30-40 con.
Qua tìm hiểu sách báo và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, nhận thấy rắn hổ mang là loài ăn tạp, dễ nuôi, ít bệnh tật, thức ăn lại dễ kiếm (chủ yếu là gà và vịt con chết, trứng ấp hỏng, cóc nhái…) nên anh đã nhanh chóng mở rộng chuồng nuôi. Đến nay, gia đình anh sở hữu hàng trăm ổ rắn, nuôi tại 3 trại với hơn 5.000 con, trong đó, có hơn 1.000 rắn bố mẹ để nhân giống và 4.000 rắn thương phẩm.
Người cùng phát triển nghề nuôi rắn với anh Đông là ông Nguyễn Thế Sang. Tuy mới chỉ xây chuồng trại nuôi rắn được 3 năm nhưng ông đã có trong tay gần 600 trăm con rắn thương phẩm. Trọng lượng mỗi con đạt 1,5 -2kg, trong đó có khoảng 260 con chuẩn bị sinh sản.
"Ban đầu, tuy chưa có kinh nghiệm nhưng tôi vẫn mạnh dạn đầu tư vốn mua rắn giống về nuôi. Tôi may mắn nhận được sự giúp đỡ của những người đi trước nên ngay lứa đầu tiên đã thắng lớn. Nếu rắn sinh sản đều, chỉ cần bán rắn con tôi cũng đã thu lại vốn liếng, chưa tính đến hơn một nửa số rắn thương phẩm", ông Sang chia sẻ.
"Rắn chỉ ăn mạnh trong khoảng tháng 6-7, trung bình 2 ngày cho ăn một lần, đến mùa đông thì ngừng. Sau 2 năm mỗi con đạt 2,5-4kg, bán với giá 800.000-1 triệu đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi khoảng 400.000- 500.000 đồng/con", anh Đông chia sẻ.
Cũng theo anh Đông, rắn thường đẻ trứng vào tháng 5 đến đầu tháng 6, đây là thời gian bận bịu nhất đối với người nuôi rắn. Trứng ấp 52-53 ngày thì nở với tỷ lệ lên đến 95-97%.
Số lượng rắn của thôn Bạch Xá được thương lái thu mua hết.
Giá rắn con dao động từ 150.000-170.000 đồng/con, tùy loại; trứng có giá 60.000 đồng/quả. Với giá thành như hiện nay, trừ chi phí, mỗi năm người dân thôn Bạch Xá thu về hàng tỷ đồng. Thôn có khoảng 490 hộ thì có tới 300 hộ nuôi rắn thương phẩm và rắn sinh sản.
Bà Nguyễn Thị Nền cho hay, nghề nuôi rắn giúp gia đình đổi đời. Tận dụng mấy ô chuồng lợn bỏ trống, bà xây 10 chuồng nuôi rắn, mỗi nămxuất bán hơn 300 con rắn thương phẩm. Cuối năm 2011, bà thu về hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 80 triệu đồng.
Nguồn lợi từ nghề nuôi rắn thương phẩm mang lại không nhỏ nhưng nguy hiểm cũng không ít. "Số người bị rắn cắn trong những năm qua ở Bạch Xá khá nhiều nhưng đều được sơ cứu kịp thời", ông Nguyễn Khắc Hiếu, Trưởng thôn cho biết.
Sau hơn 20 năm nuôi rắn, bộ mặt của xóm làng đã đổi thay. Đường làng ngõ xóm to và rộng hơn, mở lối cho ô tô của các thương lái đỗ kín đường thu mua rắn. Tiếng còi xe, dòng người ngược xuôi khiến làng quê vốn tĩnh lặng bỗng trở nên nhộn nhịp. Người dân Bạch Xá đã không còn xa lạ hay sợ hãi loài bò sát cực độc này, bởi rắn đã đem lại cho họ cuộc sống khá giả hơn.