Để cân bằng trạng thái vàng trong tài khoản và tranh thủ những ngày còn lại trước thời hạn “đóng cửa” huy động vàng (30/6/2013), gần đây, các ngân hàng lại đẩy lãi suất huy động vàng lên cao.
Lãi suất cao nhất 1,9%/năm
Đây là mức lãi suất huy động vàng cao nhất được công bố đến thời điểm này được Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) với cổ đông sang lập là Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC triển khai qua phát hành chứng chỉ huy động với kỳ hạn 1,2,3 và 6 tháng, với lãi suất từ 1 - 1,9%/năm, kéo dài từ nay tới 24/11/2012.
Chỉ triển khai trong vòng 1 tuần, nhưng Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là ngân hàng đi đầu trong đợt tăng lãi suất vàng thông qua các chứng chỉ huy động vàng những ngày gần đây. Ngân hàng này đã phát hành chứng chỉ huy động vàng các kỳ hạn 4,5,6 tháng với lãi suất hấp dẫn từ 0,8 - 1,8%/năm. Những khách hàng gửi mới sẽ được hưởng lãi suất lên đến 1%/năm. Những khách hàng hiện hữu tại ACB đồng ý chuyển đổi sang kỳ hạn 4,5,6 tháng sẽ được hưởng lãi suất lên đến 1,8%/năm.
Còn tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lãi suất huy động vàng lên 1% với kỳ hạn 6 tháng, thay vì mức 0,5%/năm như trước đây. Các ngân hàng khác như Southernbank, NamABank…cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động vàng.
Thực tế, việc các ngân hàng đang đẩy mạnh huy động vàng những ngày gần
đây bắt nguồn từ việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Văn bản 7019/NHNN-QLNH
trong đó có quy định về việc lùi thời hạn tất toán vàng cho các tổ chức tín dụng
(TCTD) thêm 6 tháng (từ 25/11/2012 đến 30/6/2013).
Theo đó, các TCTD được tiếp tục phát hành chứng chỉ huy động ngắn hạn bằng vàng từ nay đến hết ngày 24/11/2012 theo nguyên tắc: Thời gian đáo hạn của các chứng chỉ huy động ngắn hạn bằng vàng được phát hành mới không vượt quá ngày 30/6/2013; Chứng chỉ huy động phát hành mới không được chi trả trước hạn; Các TCTD chỉ được phát hành thêm chứng chỉ huy động ngắn hạn khi số vàng tồn quỹ và thu nợ không đủ để chi trả, tổng khối lượng huy động tối đa không vượt quá tổng khối lượng vàng sử dụng (ngoại trừ các khoản chuyển đổi vàng thành tiền theo Thông tư 32/2011/TT-NHNN và các khoản bán vàng kỳ hạn) và theo nguyên tắc tổng khối lượng vàng huy động giảm dần.
Nhìn chung, kỳ hạn tối đa mà các ngân hàng áp dụng khi huy động vàng không quá 6 tháng, như vậy sẽ chấm dứt trước 30/6/2013. Các mức lãi suất bình quân được các NHTM đưa ra khoảng từ 0,5 - 1%/năm ứng với độ rộng của các kỳ hạn từ 3 - 6 tháng.
Không ảnh hưởng đến diễn biến thị trường vàng cuối năm
Theo các ngân hàng, huy động vàng thực chất chỉ là để bù đắp thanh khoản, không gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng, vì vàng không thể chuyển đổi thành tiền đồng để cho vay hay cho vay bằng vàng, vì vậy cũng khó có cuộc đua lãi suất huy động vàng. Theo SJC, lực mua vàng để bù đắp thanh khoản vàng từ phía các ngân hàng cũng đã giảm nhiều từ đầu tháng 11 đến nay. Việc giãn thời gian được phát hành chứng chỉ vàng đến hơn 7 tháng nữa đã giúp các ngân hàng có thời gian để huy động thêm, đồng thời cũng giảm bớt nhu cầu rút vàng của người dân.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc các NHTM đang tăng lãi suất huy động
vàng gần đây không ảnh hưởng đến diễn biến thị trường vàng những tháng cuối
năm. Bởi lẽ, theo NHNN, trong 6 tháng qua, các TCTD đã mua vào khoảng 60 tấn
vàng nhằm phục vụ cho mục đích tất toán trước ngày 25/11. Hiện vẫn còn khoảng
5-6 đơn vị chưa cân đối được nguồn vàng để tất toán.
Theo lý giải của NHNN, việc
gia hạn nhằm tránh gây ra khó khăn về thanh khoản cho hệ thống ngân hàng vào thời
điểm cuối năm. Hoạt động huy động và cho vay vàng sẽ chấm dứt sau ngày
30/6/2013. NHNN không cho phép NHTM huy động dưới hình thức trả lãi và cho vay
vàng bởi lẽ nếu huy động rồi để trong kho thì lỗ do phải chi trả lãi suất và rủi
ro trượt giá vàng.
Việc gia hạn đó, thị trường vàng trong hai tháng cuối năm sẽ khá ổn định khi không có “cú sốc” hay sự gia tăng nhu cầu mua vàng của các TCTD thời gian qua dẫn đến biến động mạnh của giá vàng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có lúc lên tới trên 3 triệu đồng/lượng và chỉ tạm thu hẹp khi các ngân hàng đã mua được phần lớn lượng vàng cần tất toán. Việc buộc phải mua trả trạng thái âm vàng cho kịp mốc 25/11 cũng khiến không ít ngân hàng phải chấp nhận những khoản lỗ lớn.
Để
triệt để xử lý vấn đề ”vàng hóa” nền kinh tế, theo NHNN, việc kiên quyết chấm dứt
huy động vàng là biện pháp cần thiết để tiến tới việc chuyển hóa quan hệ huy động,
cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng. Để tận dụng nguồn lực vàng miếng
trong dân, dự kiến trong thời gian tới, NHNN sẽ xây dựng cơ chế mua vàng tăng dự
trữ ngoại hối Nhà nước.
Đây là kênh chính để huy động nguồn lực vàng trong dân
nhằm mục tiêu chuyển hóa nguồn lực vàng, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh
tế của đất nước, đảm bảo các quyền hợp pháp của người dân đối với vàng miếng
như mua bán, nắm giữ, được bảo đảm an toàn thông qua dịch vụ giữ hộ của các
TCTD.
Ngoài ra, việc mua bán vàng miếng diễn ra theo cơ chế thị trường, kinh doanh vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, NHNN sẽ tổ chức lại mạng lưới mua, bán vàng miếng thông qua việc cấp phép cho các doanh nghiệp và TCTD đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định 24 được mua bán vàng miếng.