'Lãi suất cho vay đang có dấu hiệu tăng lên'

thanhthao |

Do nhu cầu huy động vốn cao khiến lãi suất huy động tăng, vì thế lãi suất cho vay cũng bị ngân hàng đẩy lên.

Tại diễn đàn “Khơi thông nguồn vốn và Quản lý dòng tiền hiệu quả” tại TP HCM ngày 5/10, Tiến sĩ Lê Thị Kim Xuân, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP HCM thông tin, từ đầu tháng 9 đến nay, có một số ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động đối với kỳ hạn 12 tháng lên mức 12,5% một năm; đối với kỳ hạn trên 12 tháng lên mức 12,5%-13% mỗi năm.

"Do nhu cầu huy động vốn cao nên lãi suất huy động tăng và vì thế lãi suất cho vay cũng đang bị ngân hàng đẩy lên. Thêm vào đó là lo ngại nợ xấu nên các ngân hàng lại càng siết chặt điều kiện cho vay. Vì vậy, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn", bà Xuân cảnh báo.

Bà Xuân cũng chỉ ra khó khăn của doanh nghiệp hiện nay tập trung vào chi phí đầu vào quá cao, thiếu vốn lưu động và đầu tư, hàng tồn kho cao, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp…

Ngoài ra, theo bà Xuân các đơn vị này không đáp ứng các điều kiện cho vay của ngân hàng như: không có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, không còn tài sản để thế chấp, đang có nợ xấu, nợ quá hạn cao; không có khả năng tiếp tục hoạt động…

lai-suat-cho-vay-dang-co-dau-hieu-tang-len

Lãi suất ngân hàng đang có dấu hiệu tăng lên. Ảnh:Lệ Chi.

Từ thực trạng này, các ngân hàng thương mại không thể cho vay dưới chuẩn vì bài học cho vay dưới chuẩn của Mỹ những năm trước đã cho thấy về lâu dài không chỉ hệ thống nhà băng, mà cả nền kinh tế đều sẽ phải trả giá.

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP HCM cũng cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 35.500 doanh nghiệp giải thể; những đơn vị đang tồn tại phải thu hẹp sản xuất, giảm việc làm ...

Ông Liêm cho rằng, để giải quyết được vấn đề khơi thông nguồn vốn tự thân các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp khó có thể giải quyết mà phải cần các chủ trương chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Chia sẻ vấn đề này, Tiến sĩ Trần Du Lịch kiến nghị, Chính phủ nên mở rộng quỹ bảo lãnh tín dụng để cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay, chứ không nên nới rộng chính sách tiền tệ một cách tổng thể.

Đánh giá tình hình từ nay đến cuối năm, ông Lịch cho rằng cơ bản Chính phủ vẫn điều hành kinh tế vĩ mô như tinh thần Nghị quyết 13 áp dụng từ đầu quý II năm nay; sẽ không có sự đột biến về chính sách. Lãi suất khó có thể giảm sâu hơn, cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Kế hoạch tăng dư nợ tín dụng cả năm từ 8-10% như Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố trước đây khó có thể đạt được.

Ông Nguyễn Thiện Long, Phó tổng giám đốc HDBank cũng bộc bạch, bản thân ngân hàng phải có trách nhiệm bảo vệ cho dòng tiền của người dân gửi vào nên không thể cho vay "vô tội vạ".

Theo ông Long, hiện nay doanh nghiệp cứ chăm vào lãi suất, nhưng thực tế điều này không quan trọng bằng tính hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn vay. Bởi nếu vay mà không biết làm cho dự án đó thực sự hiệu quả và sinh lời thì sẽ dẫn đến thua lỗ, thậm chí phá sản.

Ông cũng khuyên doanh nghiệp, trong bối cảnh hiện nay nên co cụm lại và chỉ tập trung vào những dự án nào thực sự hiệu quả. Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp nên minh bạch, rõ ràng hơn với ngân hàng, nếu không khỏe thì phải nói rõ để nhà băng biết và tìm hướng giải quyết.

Riêng về tài sản đảm bảo, ông Long cho rằng bản thân ngân hàng có thể linh động chứ không cứng nhắc, nhưng với điều kiện là phải nắm chắc về tính hiệu quả của dự án đó mới dám cho vay. Theo đó, HDBank cam kết sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp với gói tín dụng 1.500 tỷ đồng lãi suất ưu đãi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại